|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giao thông là động lực để Bình Định cất cánh

Theo Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, phương án sắp xếp không gian phát triển cho các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ bố trí dọc nhiều tuyến giao thông lớn.

Quy hoạch không gian phát triển dọc các tuyến giao thông

Theo Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, phương án phát triển những khu vực có vai trò động lực thì khu vực kinh tế trọng điểm bao gồm TP Quy Nhơn và vùng phụ cận, đô thị An Nhơn.

Vùng này sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định. Là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, dịch vụ vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên. 

Đây là đầu mối giao thông thuỷ, bộ quan trọng của vùng Trung Trung Bộ, là cửa ngõ ra biển Đông của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan.

Tuyến đường bộ ven biển ĐT.639 là trục hỗ trợ thúc đẩy kinh tế dọc hành lang ven biển, kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm 

của tỉnh Bình Định.

Phê duyệt thời kỳ này, các trục hành lang động lực sẽ là tuyến quốc lộ 19. Đây là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng, là tuyến giao thông tạo ra sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa tỉnh Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên với cửa ngõ ra biển là cảng Quy Nhơn. 

Tuyến quốc lộ 1 là trục phát triển kinh tế quan trọng kết nối Bình Định với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hệ thống đô thị cả nước. Có vai trò là trung điểm gắn kết giữa các vùng kinh tế phía Đông và phía Tây của tỉnh. 

Theo dọc tuyến tập trung phát triển hệ thống thương mại dịch vụ lớn, công nghiệp (khu công nghiệp Phú Tài, khu công nghiệp Long Mỹ,...), dịch vụ hàng không gắn với sân bay Phù Cát, dịch vụ logistics tại Phước Lộc, Tuy Phước và dịch vụ đường sắt gắn với ga tổng hợp Diêu Trì.

Tuyến quốc lộ 19B là trục hỗ trợ kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với các đô thị phía Tây của tỉnh; phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp, đô thị, du lịch. 

Tuyến quốc lộ 19C là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Tây Nam của tỉnh Bình Định, kết nối với Phú Yên; phục vụ phát triển Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định và các khu logistics dọc tuyến. 

Tuyến quốc lộ 1D là trục hỗ trợ phát triển kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, kết nối Bình Định với Phú Yên.

Bên cạnh đó, tuyến đường bộ ven biển ĐT.639 là trục hỗ trợ thúc đẩy kinh tế dọc hành lang ven biển, kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh. Hình thành và phát triển không gian kinh tế biển bền vững. 

Định hướng xây dựng chuỗi đô thị du lịch biển, các khu du lịch, khu vực nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp gang thép, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, cảng biển và năng lượng tái tạo.

Tuyến đường tỉnh ĐT.638, ĐT.629, ĐT.630 là trục hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định và làm tăng tính liên kết giữa chuỗi đô thị ven biển với các huyện miền núi. 

Ưu tiên xây dựng cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Cũng theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới cao tốc, quốc lộ, đường ven biển qua Bình Định thực hiện theo quy hoạch quốc gia. Ưu tiên triển khai xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. 

Xây dựng hệ thống đường tỉnh kết nối các tuyến đường cao tốc, đườngquốc lộ đến các khu kinh tế, khu du lịch, dịch vụ trọng điểm, đường vào khu cụmcông nghiệp tạo nên mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh liên hoàn.

Cùng đó, sẽ nâng cấp ga Diêu Trì thành ga tổng hợp, xây dựng mới 2 ga hàng hóa đường sắt tại khu vực xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) và xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) phục vụ vận chuyển hàng hóa cho cảng Quy Nhơn, Khu kinh tế Nhơn Hội và các trung tâm logistics.

Đến năm 2030, tiếp tục duy trì và khai thác nhánh đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn. Sau năm 2030, nghiên cứu xây dựng mới đoạn tuyến Diêu Trì - Nhơn Bình, chuyển ga hàng hóa Quy Nhơn ra Nhơn Bình; chuyển ga Quy Nhơn thành ga hành khách đô thị phục vụ phát triển đường sắt đô thị, tận dụng hành lang của tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn để phát triển đường sắt đô thị.

Ngoài ra, nghiên cứu bổ sung các tuyến đường sắt đô thị kết nối với ga Quy Nhơn và phát triển đô thị gắn kết với ga Quy Nhơn theo mô hình TOD. Quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị kết nối TP Quy Nhơn đến thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát), An Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát,... trong đó lấy đô thị Quy Nhơn làm trung tâm.

Theo phê duyệt này, Cảng hàng không Phù Cát sẽ đầu tư mới nhà ga, mở rộng sân đỗ, xây dựng thêm đường cất hạ cánh thứ hai và các đường lăn phù hợp với quy hoạch. 

Nghiên cứu khả năng phát triển Cảng hàng không Phù Cát đến năm 2030 là Cảng hàng không cấp 4E (công suất 5 triệu hành khách/năm, 12.000 tấn hàng hóa/năm) và chuyển thành cảng hàng không quốc tế khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Giai đoạn đến năm 2050 là Cảng hàng không cấp 4E (công suất 7,0 triệu hành khách/năm, 27.000 tấn hàng hóa/năm) khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Theo Phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, đến năm 2030, mục tiêu Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5% trở lên, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 7 - 7,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,8% - 10,8%/năm.


Tác giả: Quang Đạt
Nguồn:baogiaothong.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật