|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ nghề truyền thống bằng công nghệ

Nhờ nhanh nhạy đưa công nghệ vào sản xuất, bà Nguyễn Thị Hồng Lạc - chủ cơ sở ép dầu Bà Cũ (xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh) đã chủ động được sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao cho thương hiệu Dầu phộng Bà Cũ.

Máy ép dầu tự động mới được Cơ sở ép dầu Bà Cũ đầu tư. Ảnh: HG

Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi nghèo khó và trải qua 42 năm làm nghề ép dầu phộng thủ công truyền thống, hơn ai hết bà Nguyễn Thị Hồng Lạc hiểu rõ nổi vất vả của người làm nghề này. Cứ vào mùa thu hoạch đậu phộng là các lò ép dầu nổi lửa suốt ngày đêm. Để ra một mẻ dầu phải mất khá nhiều thời gian chuẩn bị như tách vỏ, làm sạch, lựa đậu; sau đó đem đậu phộng đi giã nhỏ, hấp chín, đóng gói thành từng khuôn tròn, rồi dùng sức người nén chặt cho ra dầu. Cả nhà hầu như phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng để làm nhưng cũng chỉ được vài chục lít dầu. Vất vả vậy nhưng thu nhập không ổn định, cộng với sự ra đời của dầu ăn công nghiệp, nghề ép dầu dần mai một.

Mặc dù nghề vất vả và lắm công phu như vậy, nhưng bà Lạc vẫn kiên trì gắn bó. Để duy trì nghề truyền thống của gia đình, bà Nguyễn Thị Hồng Lạc quyết định cải tiến công nghệ sản xuất bằng việc đầu tư dàn máy ép dầu thủy lực thay cho cách ép thủ công truyền thống vừa mất nhiều thời gian mà lượng dầu thu được lại hạn chế. Bà Nguyễn Thị Hồng Lạc chia sẻ: Sau khi thu hoạch bà con thường đem bán đậu phộng tươi, nhưng do giá cả bấp bênh nên hiệu quả kinh tế không cao. Nếu đem đi chế biến thành dầu đậu phộng, giá trị sản phẩm được nâng cao và đầu ra cũng ổn định hơn. Nhưng với cách chế biến dầu đậu phộng thủ công thì hiệu quả mang lại thấp. Vì thế, cơ sở quyết định đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, nhờ vậy tiết kiệm thời gian, sức lực mà lại tăng năng suất; chất lượng dầu cũng được nâng cao. Qua đó, không chỉ giữ được nghề truyền thống của gia đình, giữ nét văn hóa của địa phương mà còn góp phần nâng tầm sản phẩm truyền thống, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cộng đồng.

Tuy vậy, máy ép thủy lực chỉ sử dụng cho công đoạn ép ra dầu, còn các công đoạn khác như làm sạch vỏ đậu, hấp cách thủy đậu, gói bánh đậu, lọc dầu thì vẫn phải làm thủ công. Và thế là từ nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công địa phương, bà Nguyễn Thị Hồng Lạc tiếp tục đầu tư đổi mới thiết bị bằng việc bổ sung thêm dây chuyền sản xuất tự động gồm: máy bóc vỏ, máy ép và máy lọc. Sử dụng dây chuyền công nghệ hiện đại này, năng suất và chất lượng sản phẩm dầu được cải thiện rõ rệt; không chỉ rút ngắn được công đoạn chế biến, tỷ lệ dầu lấy được cao hơn, dầu trong hơn, không lẫn cặn bã, tạp chất và cũng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên liệu dùng để ép là đậu phộng còn nguyên vỏ được phơi khô, đưa vào máy sạc vỏ làm sạch hoàn toàn và cho vào máy ép công nghiệp tiên tiến. Dầu sau khi ép được đưa vào máy lọc dầu để ra được sản phẩm dầu phộng tinh khiết. Thời gian chỉ tầm một tiếng đồng hồ là có ngay một mẻ dầu phộng chất lượng, đảm bảo nguyên chất. Sản phẩm dầu sau khi được lọc ra ánh vàng, sóng sánh, có mùi thơm béo ngậy của đậu phộng, vừa thơm ngon vừa không có chất bảo quản.

Sản phẩm dầu phộng của Cơ sở ép dầu Bà Cũ. Ảnh: HG

Bà Nguyễn Thị Hồng Lạc cho hay: Những năm gần đây, ý thức được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân có xu hướng quay trở lại sử dụng dầu truyền thống thay vì chọn các loại dầu ăn công nghiệp như trước đây, vì thế nhu cầu thị trường ngày lớn hơn. Các cơ sở ép dầu thủ công như tôi nếu không cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm thì khó đứng vững trên thị trường. Chúng tôi tự hào vì là cơ sở ép dầu tiên phong ở huyện Vĩnh Thạnh đầu tư dây chuyền sản xuất tự động này. Khách hàng được tận mắt thấy quy trình ép dầu, lọc sạch không pha chế nên tìm đến ép gia công và mua dầu phộng ngày càng tăng.

Để ép được sản phẩm dầu phộng có chất lượng hơn, bà Lạc đã lặn lội đến những vùng sản xuất đậu phộng đạt chuẩn ở Phù Cát để thu mua nguyên liệu, sau đó đem về chế biến. Dầu được chế biến từ hạt đậu phộng sẻ tươi ngon cùng với quy trình công nghệ hiện đại đã giúp giữ nguyên các chất dinh dưỡng và hương vị tự nhiên của đậu phộng. Hiện cơ sở của bà Lạc đang vận hành song song dàn máy ép dầu thủy lực và dây chuyền máy tự động, vừa ép gia công vừa ép để bán cho khách hàng. Việc kết hợp 2 dây chuyền đã giúp cơ sở chủ động hơn trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường cả về chất lượng và số lượng sản phẩm cũng như tăng thu nhập. Hiện cơ sở ép dầu Bà Cũ có thể ép được 1.000 lít dầu mỗi ngày.

Song song với việc đầu tư máy móc, bà Lạc định hướng sản xuất dầu phộng theo hướng hàng hóa gắn với việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đa dạng mẫu mã. Để sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường, đặc biệt là có thể tiếp cận khách hàng trong tỉnh và các tỉnh lân cận, bà đã mạnh dạn vay vốn để thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu Dầu phộng Bà Cũ, đăng ký nhãn mác cho sản phẩm. Năm 2022, sản phẩm Dầu phộng Bà Cũ đã được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận OCOP, đạt 3 sao tại cuộc thi đánh giá và phân hạng sản phẩm. Gần đây, cơ sở đang được Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN Bình Định) hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng tem in mã QR cho sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm. Với phần mềm truy xuất nguồn gốc và tem mã QR được cấp, cơ sở ép dầu Bà Cũ sẽ xây dựng kho dữ liệu cập nhập thông tin về nguồn gốc hàng hóa lên hệ thống và gắn mã QR lên sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường. Nhờ đó, người tiêu dùng có thể nắm bắt chính xác thông tin về cơ sở sản xuất, nguyên liệu và quy trình sản xuất… không chỉ giúp bảo vệ thương hiệu dầu phộng của cơ sở mà còn giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm.


Tác giả: HƯƠNG GIANG
Nguồn:skhcn.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật