A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính quyền đồng hành, trách nhiệm với doanh nghiệp

Ðồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn hiện nay, đồng thời khẳng định quan điểm chính quyền đồng hành với doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính quyền.

Quang cảnh đối thoại chiều 26.6.

Chiều 26.6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các DN năm 2023. Gần 400 đại biểu đại diện các hiệp hội DN, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đã tham dự đối thoại, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Kiến nghị sớm hỗ trợ, giải ngân vốn vay
Các DN thẳng thắn nhận xét, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các ngành đã có nhiều động thái hỗ trợ tích cực cho DN đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều tác động từ biến động chính trị đến kinh tế thế giới, các DN xuất khẩu của tỉnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) cho hay, 6 tháng đầu năm nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ ước đạt khoảng 441 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 61,2% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh; giá trị nhập khẩu gỗ ước đạt 11,3 triệu USD, giảm 59% so cùng kỳ. Đến nay, do các thị trường chính tiêu thụ chậm, ngành gỗ tiếp tục đối mặt tình trạng sụt giảm đơn hàng, tồn kho lớn. 
Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Hiệp hội nêu ra 10 kiến nghị về vốn vay, tín dụng; các quy định về PCCC; đầu tư, đất đai; thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho DN trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế độ BHXH cho người lao động mất việc; dịch vụ cảng biển, cơ sở hạ tầng công nghiệp. Trong đó, vấn đề các DN đặc biệt quan tâm là vốn vay, tín dụng. Ông Thiện đề nghị UBND tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sớm triển khai thực hiện Công văn số 4458/NHNN-TD để hỗ trợ, tạo điều kiện giải ngân vốn vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, cũng như cho DN được hưởng lãi suất ưu đãi theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
Tương tự, bà Đồng Thị Ánh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Bình Định, cũng cho rằng UBND tỉnh xem xét, kiến nghị các cơ quan, ban, ngành có chính sách giãn, hoãn thuế, phí, các khoản vay của DN; hỗ trợ DN xuất khẩu của tỉnh được tiếp cận vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp để khắc phục khó khăn. Đồng thời, kiến nghị Trung ương nhanh chóng hoàn thiện, ban hành thủ tục pháp lý liên quan để chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội được tiếp cận Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng của Chính phủ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP. “Các DN muốn giữ chân lao động để phục hồi sản xuất kinh doanh khi tình hình kinh tế được cải thiện. Do đó, kiến nghị nhà nước hỗ trợ các DN gói vay trả lương lao động với lãi suất 0% như đã thực hiện ở giai đoạn dịch Covid-19”, bà Ánh nêu.
Với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Dự án khu đô thị phía Nam cây xăng dầu Việt Hưng, nêu vướng mắc về giá sàn nộp ngân sách nhà nước (giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền do nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu ngoài các nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành) khiến các DN khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng. DN kiến nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho chủ đầu tư được giao đất trước khi nộp tiền, trên cơ sở đó chủ đầu tư dự án tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng. Đó sẽ là nguồn vốn lớn giúp chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ.
Trong khi đó, bà Cao Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định, Giám đốc Công ty Thủy sản Bình Ðịnh (BIDIFISCO) cho rằng, ngân hàng thương mại kéo dài thời gian thanh khoản theo yêu cầu của DN, lãi suất USD có giảm, nhưng không nhiều. Hiện, hàng tồn kho còn nhiều, thị trường xuất khẩu còn khó, DN đề nghị ngân hàng tiếp tục cùng chia sẻ. Bên cạnh đó, ngành thuế nên hoàn thuế trước kiểm tra hồ sơ sau, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tháo gỡ khó khăn về tài chính.
Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại đối thoại, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan thông tin về một số vấn đề được DN nêu ra về vốn vay tín dụng, quy định trong PCCC, hợp đồng đầu tư điện của đơn vị điện lực đối với DN. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan đến các kiến nghị, vướng mắc của DN tiếp tục trả lời kiến nghị của DN bằng văn bản trong tháng 7.2023. 


“Tôi nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cấp chính quyền, sở, ngành trong tháo gỡ khó khăn cho DN hoạt động tử tế, nghiêm túc, làm thật và tuân thủ các quy định pháp luật. Chính quyền và DN giống như ngồi trên cùng một con thuyền vậy, cùng giúp nhau, cùng trách nhiệm”.  
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn

Phát biểu tại đối thoại, đồng chí Phạm Anh Tuấn nhắc lại định hướng phát triển KT-XH của tỉnh trên 5 trụ cột: Công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Trong chiến lược quy hoạch phát triển của tỉnh, trọng tâm là giai đoạn 10 năm 2025 - 2035, tập trung mọi nguồn lực để phát triển cho tăng trưởng GRDP 2 con số. Chính vì vậy, đòi hỏi sự tham gia rất nhiệt tình, tâm huyết, thay đổi căn bản về tư duy của chính quyền và DN.
“Về quan điểm, thứ nhất, tỉnh xác định chính quyền đồng hành cùng DN, thành công của DN cũng là thành công của chính quyền. Thứ hai, chuyển từ chính quyền hành chính sang chính quyền phục vụ người dân và DN. Thứ ba, công khai minh bạch; công bằng; nhất quán, tránh kiểu “tư duy nhiệm kỳ”, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN”, Chủ tịch Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Chia sẻ với khó khăn của các DN, người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng đồng thời bày tỏ mong muốn thay đổi, tái cấu trúc DN, mở rộng thị trường phát triển. Đặc biệt yêu cầu chính quyền các cấp thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng của Trung ương, của Chính phủ coi DN là đối tượng phục vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định rà soát, tổng hợp tất cả khoản nợ, chính sách giãn nợ, ưu đãi của các DN trên địa bàn và sớm báo cáo UBND tỉnh để có ý kiến cụ thể lên Ngân hàng Nhà nước. Hiện trong giao dịch giữa các DN với ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại, phía các ngân hàng vẫn luôn “đứng cửa trên”. Qua đó, đề nghị phía các ngân hàng thương mại cần thể hiện tinh thần trách nhiệm hơn, thắt chặt với các DN như “cá với nước”, chia sẻ khó khăn cùng nhau.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, chính quyền sẽ tiếp tục cải tiến để thực sự tạo ra “một cửa, một đầu mối” trong giải quyết, phục vụ người dân và các DN. Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm triển khai các dự án trên địa bàn mình…

Chỗ cần nghiêm ngặt, phải tuân thủ nghiêm ngặt
Liên quan các vướng mắc về quy định PCCC, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định, mặc dù CA tỉnh đã tích cực hỗ trợ các DN thực hiện các quy định về PCCC, tuy nhiên, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh vẫn tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của DN “than khó”. Đối với các cơ sở karaoke, vũ trường, do chúng ta đã có bài học đắt nên phải tuân thủ nghiêm ngặt, không được “du di”. Còn đối với các DN sản xuất, cần tạo điều kiện ưu tiên tối đa cho họ.

Tác giả: T.HIỀN - T.SỸ - H.YẾN, Báo Bình Định
Nguồn:kkt.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật