A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2019, triển khai sản xuất vụ đông xuân 2019-2020

(binhdinh.gov.vn)-Chiều nay 23/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) Bình Định đã tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp (SXNN) năm 2019, triển khai sản xuất vụ đông xuân 2019-2020 và sản xuất nông nghiệp năm 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đến dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, năm 2019, tuy sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả đạt được vẫn rất khả quan. Trong đó, đáng kể nhất là năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 64,7 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với cùng kỳ; việc thực hiện Đề án chuyển đổi cây trồng trên đất sản xuất 3 vụ lúa/năm sang cây trồng khác đem lại hiệu quả rõ rệt; việc triển khai thực hiện 4 dự án cánh đồng lớn với tổng diện tích 690 ha đã thu hút hơn 2.000 hộ nông dân tham gia, năng suất lúa cánh đồng lớn tăng từ 1,5 - 2 tạ/ha so với ngoài mô hình; đồng thời, toàn tỉnh thực hiện 234 cánh đồng mẫu lớn các loại cây trồng với trên 44.651 hộ nông dân tham gia; về xây dựng chuỗi liên kết, toàn tỉnh có diện tích liên kết sản xuất lúa giống 2.312 ha, giá thu mua cao hơn lúa thịt từ 25 - 30%, lợi nhuận sản xuất lúa giống tăng trên 12 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thịt... Ngoài ra, các địa phương còn xây dựng các chuỗi liên kết như: bưởi ở Hoài Ân, mai vàng ở An Nhơn, lạc ở Phù cát, đinh lăng ở Tây Sơn.

Về chăn nuôi, tuy đàn heo giảm do ảnh hưởng dịch tả heo Châu Phi, nhưng nhờ sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng 8,4%, thịt gà hơi tăng hơn 10,9%, nên giá trị sản xuất chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2019 vẫn tăng 2% so với cùng kỳ. Về thủy sản, giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,2% so cùng kỳ. Riêng khai thác thủy sản tăng 6,4%; trong đó: sản lượng cá ngừ đại dương 9.100 tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ. Năm 2019, toàn tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Về lâm nghiệp, giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,7% so cùng kỳ; trong đó, khai thác gỗ và lâm sản khác tăng 8,7%.

Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế trong sản xuất nông nghiệp năm 2019. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao nhưng chưa bền vững, chuyển đổi sản xuất trên đất 3 vụ lúa/năm đối với diện tích còn lại gặp khó khăn. Các hình thức liên kết sản xuất chưa bền vững, quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ, chất lượng sản phẩm còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, việc huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt còn hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu ghi nhận và biểu dương nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương trong năm 2019, nhất là việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đồng thời phòng chống có hiệu quả dịch tả heo Châu Phi. Nhờ vậy, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh năm nay vẫn đạt mức tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ. Phát huy thành tích đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu trong năm 2020, đối với sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh sẽ tập trung duy trì và nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; thực hiện chuyển đổi từ 2.000 - 3.000 ha đất lúa sang cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn. Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung xây dựng các chuỗi liên kết như: lúa giống tại các huyện Hoài Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, lạc ở Phù Cát, bưởi ở Hoài Ân, mai vàng ở An Nhơn, đinh lăng ở Tây Sơn. Tập trung nâng cao hiệu quả cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn, nhất là mở rộng cánh đồng liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm gắn với thực hiện chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh. Đẩy mạnh công tác khuyến nông chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người nông dân, chú trọng khuyến nông phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ; các giải pháp nâng cao chất lượng giống lúa, tăng hiệu suất sử dụng phân bón; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến có hiệu quả. Phối hợp tổ chức tuyên truyền, triển khai thi hành Luật Trồng trọt; tiếp tục triển khai thực hiện công tác quản lý vật tư nông nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý nhà nước của ngành. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhấn mạnh, trước mắt toàn tỉnh cần tập trung chuẩn bị thật chu đáo cho sản xuất vụ đông xuân 2019-2020; chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai có chiều hướng gia tăng; triển khai các biện pháp phòng, chống lụt bão, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có các giải pháp chỉ đạo ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả sau bão lụt. Đặc biệt, các địa phương cần chú ý một số vấn đề: khả năng mưa muộn nên cân nhắc lịch thời vụ xuống giống sau lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại về giống lúa; tăng cường phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi; quyết liệt phá bỏ toàn bộ cây lâm nghiệp trồng trên đất nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC và quan tâm thành lập mới 30 HTX trên các lĩnh vực./.   

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật