|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Sở TN-MT (19.8.2003 - 19.8.2013): Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực TN-MT

Ngày 19.8.2003, Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Bình Định được thành lập. Trải qua 10 năm hoạt động, tập thể cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) ngành TN-MT tỉnh đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ công tác, góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước (QLNN) trên lĩnh vực TN-MT. Sau đây là cuộc phỏng vấn ông Trần Thái Nga, Giám đốc Sở TN-MT, quanh vấn đề này.


Ông Trần Thái Nga

* Xin ông cho biết về quá trình hình thành, phát triển của ngành TN-MT tỉnh?

- Sở TN-MT được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Địa chính với một số phòng, đơn vị chuyên môn, như: Quản lý tài nguyên, khoáng sản (thuộc Sở Công nghiệp), bảo vệ môi trường (BVMT - thuộc Sở KH-CN). Từ 50 CB-VC ban đầu, đến nay, đội ngũ CB-CC-VC của Sở có 123 người, trong đó,12 người có trình độ thạc sĩ. Thời gian đầu, chức năng chính của Sở TN-MT chủ yếu là QLNN về đất đai, khoáng sản, môi trường và đo đạc bản đồ. Đến nay, chức năng QLNN của Sở đã tăng lên 7 lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực mới, như tài nguyên nước; biển và hải đảo; khí tượng - thủy văn... 

Các đơn vị trực thuộc Sở TN-MT gồm: Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ TN-MT; Trung tâm Công nghệ thông tin; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ); Chi cục BVMT; Trung tâm Quan trắc TN-MT; Chi cục Biển và Hải đảo.


* Ông có thể cho biết một số kết quả hoạt động trọng tâm của ngành?

- Về quản lý đất đai, sau khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật áp dụng trên địa bàn tỉnh, như: Quy định về giá đất, hạn mức đất ở, diện tích tối thiểu tách thửa; quy định về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định xử lý vi phạm lấn chiếm đất… Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp tỉnh đến năm 2010 và Kế hoạch SDĐ 5 năm (2006 - 2010); hoàn thành lập quy hoạch SDĐ thời kỳ 2011 - 2020. Đến nay, đã có 1.331 dự án đầu tư xây dựng các lĩnh vực phát triển công nghiệp - dịch vụ, nông, lâm, ngư nghiệp và đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH được thuê đất.

Về bảo vệ môi trường (BVMT), Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhất là từ sau khi Luật BVMT năm 2005 có hiệu lực, như: Chương trình hành động về BVMT trong thời kỳ CNH-HĐH; Quyết định của UBND tỉnh về “Phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường”; Chỉ thị về “Tăng cường công tác QLNN về BVMT trên địa bàn tỉnh”; Quy chế BVMT trên địa bàn tỉnh”; Quy chế phối hợp giữa Sở TN-MT với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác BVMT, đặc biệt là Kế hoạch hành động quốc gia về BVMT tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2020.

Sở đã trình UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoáng sản; Quy trình cấp phép và khai thác sa khoáng titan; Quy định về mức đóng góp kinh phí để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng trong khai thác khoáng sản; Quy hoạch khai thác cát, khai thác đất san lấp; tham gia lập quy hoạch khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh...

Với những kết quả trên, liên tục nhiều năm Đảng bộ Sở TN-MT đã được Đảng ủy khối các cơ quan xếp loại “vững mạnh xuất sắc”. Nhân kỷ niệm 10 năm, 1 tập thể, 2 cá nhân của Sở đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 39 tập thể, 3 cá nhân được Bộ TN-MT tặng Bằng khen và 10 tập thể, 10 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen.


* Còn những hạn chế, khó khăn thì sao, thưa ông?

- Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác QLNN về TN-MT vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Cụ thể, tiến độ và kết quả thực hiện lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ cấp huyện, cấp xã chậm; một số trường hợp giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ chưa rút ngắn thời gian so với quy định; việc xử lý lấn chiếm đất đai chưa kịp thời và triệt để; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản chưa sâu rộng đến mọi tầng lớp trong xã hội, một số DN khai thác khoáng sản chưa chú trọng đến công tác BVMT. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT chưa kiên quyết; chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án BVMT còn hạn chế, chưa sát với thực tế triển khai. Công tác hậu kiểm trên lĩnh vực đất đai, hoạt động khoáng sản, BVMT tuy đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu...


* Vậy, ngành TN-MT tỉnh sẽ làm gì để khắc phục những tồn tại, yếu kém?

- Sở sẽ rà soát các quy định trên lĩnh vực TN-MT do UBND tỉnh ban hành, nhất là các quy định liên quan đến xử lý lấn chiếm đất đai, hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, nhất là trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm. Nâng cao chất lượng tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo trên lĩnh vực TN-MT, đảm bảo kịp thời, đúng quy định, không để đơn thư khiếu tố tồn đọng. Tăng cường công tác giáo dục, đào tạo CB-CC-VC, nhằm trau dồi đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, Sở sẽ nỗ lực tích cực triển khai và đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của DN, tổ chức và người dân đối với các quy định của pháp luật trên lĩnh vực TN-MT.

* Xin cảm ơn ông!

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật