A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024)300 NGÀY TẬP KẾT CHUYỂN QUÂN TẠI QUY NHƠN, BÌNH ĐỊNH - DẤU ẤN LỊCH SỬ SAU 70 NĂM

Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Theo quy định của Hiệp định, hai bên có thời gian 300 ngày (22/7/1954 - 17/5/1955) để chuyển quân tập kết về Bắc và Nam vĩ tuyến 17, tiến hành trao trả tù binh, giải quyết các vấn đề sau chiến tranh (1).

Bình Định là tỉnh tự do suốt 9 năm kháng chiến của vùng tự do Liên khu V. Nay theo các điều khoản của Hiệp định, sẽ phải giao lại cho đối phương quản lý; chính quyền và quân đội cách mạng tập kết ra miền Bắc. Tỉnh Bình Định là khu vực 300 ngày và Cảng Quy Nhơn là địa điểm duy nhất để đưa các lực lượng vũ trang, chính trị của Liên khu V ra miền Bắc. Đây là một bước ngoặt chưa hề có trong lịch sử phong trào cách mạng của Bình Định cũng như các tỉnh tự do khác của Liên khu V.

Ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào cả nước, Người nói: “Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Đảng, Chính phủ và tôi luôn theo dõi sự cố gắng của đồng bào và tin chắc đồng bào sẽ thắng lợi”, Người khẳng định: “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”(2). Lời kêu gọi của Người đã làm yên lòng phần nào đồng bào miền Nam, trong đó có đồng bào Bình Định.

Thực hiện quy định về chuyển quân tập kết, ngày 31/8/1954, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về việc đón tiếp bộ đội, thương binh, một số cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc, nêu rõ: Đây là việc cần phải làm thật chu đáo và có kết quả thật tốt, bởi “việc đón tiếp, phân phối công tác, tìm nơi tạm ở và công ăn việc làm là rất trọng yếu, có ảnh hưởng và tác dụng chính trị rất lớn, không những đối với tinh thần, tư tưởng của những người ra ngoài này mà còn ảnh hưởng rất lớn đối với tinh thần đồng bào miền Nam ở trong kia”(3).

Để chuẩn bị cho việc chuyển quân tập kết tại Liên khu V, đầu tháng 7/1954, Trung ương Đảng cử đồng chí Nguyễn Duy Trinh vào truyền đạt Nghị quyết của Bộ Chính trị, cùng Liên khu ủy lãnh đạo công tác thi hành Hiệp định. Ngày 17/7/1954, tại Quy Nhơn, đồng chí đã gặp Bí thư Trung ương Cục miền Nam Lê Duẫn, thống nhất kế hoạch thi hành Hiệp định tại Nam Trung Bộ. Sau đó, đồng chí đã dự Hội nghị Liên khu ủy mở rộng, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa II); trong 3 công việc cấp bách cần phải làm ngay do Hội nghị đề ra có nhiệm vụ: Biên chế lại và tổ chức lực lượng vũ trang thành các sư đoàn, trung đoàn để biểu dương chiến thắng và chuyển quân theo đúng kế hoạch(4). Tiếp đó, ngày 18/10/1954, tại thị trấn Đập Đá (An Nhơn), Liên khu ủy V triệu tập Hội nghị, đánh giá tình hình, đề ra những công tác cấp bách nhằm lãnh đạo quân và dân toàn Liên khu đấu tranh chống lại mọi hành động phá hoại của kẻ thù, giữ gìn lực lượng cách mạng, củng cố tổ chức, cơ sở, tiến hành chuyển quân tập kết.

Nhân dân Quy Nhơn xem bảng yết thị của Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế về công tác chuyển quân tập kết. Ảnh tư liệu

Quán triệt Nghị quyết của Hội nghị mở rộng Liên khu ủy V (7/1954), đầu tháng 8/1954, Tỉnh ủy Bình Định họp, nhận định tình hình sắp tới sẽ diễn biến vô cùng phức tạp. Địch sẽ tập trung chống phá việc chuyển quân của ta; tấn công chính trị, tư tưởng vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng, gây rối loạn an ninh, trật tự trong xã hội. Tình hình kinh tế, đời sống của quần chúng khó khăn. Tư tưởng của cán bộ, đảng viên vừa lo lắng, vừa nhận thức giản đơn những vấn đề mới, quan trọng trong khi tình hình căn bản đã khác trước. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng chỉ ra những thuận lợi rất lớn, đó là lòng tin tuyệt đối của đảng viên và Nhân dân đối với sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Bác Hồ; là truyền thống yêu nước vốn có của Nhân dân trong tỉnh được hun đúc và nâng cao qua thử thách và rèn luyện trong 9 năm kháng chiến; là việc tranh thủ 300 ngày tự do để tiến hành một số công việc có ích cho Nhân dân trước khi ra đi tập kết nhằm tranh thủ ảnh hưởng trong Nhân dân và việc chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho hoạt động sau khi đối phương tiếp quản.

Đoàn Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế đến Quy Nhơn để giám sát công tác chuyển quân tập kết năm 1954. Ảnh tư liệu

Căn cứ vào nhận định nêu trên, Hội nghị Tỉnh ủy đề ra 4 chủ trương công tác cấp bách trước mắt: (1) Mở đợt tuyên truyền giáo dục sâu rộng cho tất cả cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ; về tình hình và nhiệm vụ mới, về phương châm, phương pháp đấu tranh, về nội dung Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (2) Tiếp nhận chu đáo số cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta bị bắt nay trao trả lại cho ta; giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, bảo đảm ổn định tình hình trong suốt thời gian chính quyền ta còn quản lý. (3) Khẩn trương giải quyết vấn đề đời sống của dân với tất cả biện pháp và khả năng có thể làm được để Nhân dân thấy rõ chính quyền cách mạng có trách nhiệm với dân đến ngày cuối cùng ra đi tập kết. (4) Phân công Tỉnh ủy thành 2 bộ phận chỉ đạo: Một bộ phận chuyên trách điều hành những công việc công khai cho đến khi ra đi tập kết như giữ gìn an ninh trật tự, chăm lo sản xuất và đời sống Nhân dân, sắp xếp cán bộ đi tập kết, quan hệ với Ủy ban quốc tế và bàn giao lãnh thổ cho đối phương; một bộ phận chuyên lo công tác tổ chức bí mật của Đảng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ, đảng viên bám trụ lại hoạt động bất hợp pháp với địch.

Cuối tháng 8/1954, Đảng bộ mở đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn cho đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân học tập Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 22/7/1954, nội dung Hiệp định Giơnevơ, Nghị quyết Bộ Chính trị (05/9/1954). Qua học tập, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đều thấy rõ thắng lợi của ta, thông suốt và nhất trí các chủ trương mới của Đảng đối với miền Nam, nhất là sự cần thiết của việc điều chỉnh khu vực, chuyển quân tập kết. Trong thời gian này, Khu ủy và Tỉnh ủy thành lập các phái đoàn tổ chức cuộc họp đặc biệt, gồm thân hào, nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo và các công thương gia để nói về tình hình và nhiệm vụ sau khi ký Hiệp định, giới thiệu chủ trương, chính sách mới của Đảng, Chính phủ và Mặt trận trước bước ngoặt lịch sử của đất nước; đồng thời giải quyết một số vướng mắc, động viên các tầng lớp Nhân dân đoàn kết đấu tranh cho hòa bình và thống nhất Tổ quốc.

Đảng bộ Bình Định được Liên khu V giao nhiệm vụ tiếp nhận và triển khai công tác chuyển quân tập kết; đón tiếp cán bộ, đảng viên các tỉnh trong khu vực (Quảng Ngãi, Phú Yên); thực hiện việc chuyển quân theo kế hoạch, bàn giao cho đối phương từng thời gian theo sự thỏa thuận của hai bên. Số lượng người ra đi rất lớn, gồm toàn bộ lực lượng vũ trang, phần lớn cán bộ, các đội thanh niên xung phong, một số gia đình cán bộ, một số con em cán bộ và học sinh do gia đình gửi ra miền Bắc học tập với điều kiện tự đài thọ chi phí và một số gia đình đồng bào quê ở miền Bắc xin hồi hương.

Riêng về cán bộ xã, thôn, lúc đầu Trung ương chủ trương hạn chế chỉ cho đi số đồng chí mà địch có nhiều oán thù trong khởi nghĩa tháng 8/1945 và trong đấu tố khi thi hành chính sách ruộng đất. Nhưng sau các vụ thảm sát ở Phú Yên, Quảng Nam, hàng loạt cán bộ, đảng viên, cốt cán quần chúng ở các tỉnh xin đi tập kết. Trước tình hình đó, Trung ương đồng ý mở rộng diện tập kết đến cán bộ xã, thôn. Tất cả số người trên đều tập trung về Bình Định, nhất là ở Quy Nhơn, để lần lượt xuống tàu thủy đi ra miền Bắc. Tỉnh có nghĩa vụ phải sắp xếp, giúp đỡ việc ăn ở, ốm đau và bảo đảm an toàn trong thời gian chờ đợi. Tỉnh ủy Bình Định chỉ định một số cán bộ đặc trách việc xét duyệt, sắp đặt số người đi, các chuyến đi theo yêu cầu công tác và việc bàn giao từng phần quyền quản lý cho đối phương. Riêng tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 10.700 người đi tập kết và một số gia đình đồng bào hồi hương ra miền Bắc(5).

Cán bộ và bộ đội xuống tàu đi tập kết. Ảnh Tư liệu

Đối với số phạm nhân còn bị giam giữ, Tỉnh ủy chủ trương tổ chức lớp học chính trị riêng, giúp họ hiểu rõ thời cuộc, nắm được nội dung các điều khoản của Hiệp định, động viên họ trở về làm ăn bình thường, tham gia cùng đồng bào đấu tranh cho hòa bình, thống nhất đất nước. Nhân dịp Quốc khánh 02/9/1954, phần lớn phạm nhân được thả tự do, số còn lại tiếp tục được giáo dục và trao trả cho đối phương trong dịp bàn giao sau cùng, có sự chứng kiến của Ủy ban giám sát quốc tế. Nhiều người đã viết thư tỏ lòng biết ơn Chính phủ và Hồ Chủ tịch, hứa hẹn sẽ tham gia đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, không làm gì có hại cho cách mạng, cho Nhân dân.

Trước tình hình nạn đói xảy ra ở Quy Nhơn và các xã vùng ven huyện Tuy Phước, Chính phủ đã đưa vải, gạo từ miền Bắc vào giúp dân, Tỉnh ủy đặt vấn đề cứu đói là một công tác cấp bách, vừa cứu đói, vừa giúp dân khôi phục và đẩy mạnh sản xuất. Chính quyền tỉnh đã xuất cấp hành trăm tấn gạo và lúa giống, 21 triệu bạc cho đồng bào chuyên làm nghề biển mua sắm lại thuyền, lưới; vận động đồng bào tích cực trồng rau, màu ngắn ngày, thâm canh tăng vụ, củng cố các tổ vòng đổi công,… Ủy ban liên tỉnh điều động bộ đội giúp dân xây dựng lại một số công trình tiểu và trung thủy nông như đê Hạn Đề, bờ ngự hàm ở Đông Tuy Phước, đập Lại Giang, kênh Bồng Tân (Nam Hoài Nhơn), đập Bảy Yểng ở Đập Đá, đập Thuận Hạt ở An Nhơn,…

Tập kết các lực lượng vũ trang, chính trị ra Bắc là nội dung chủ yếu của thi hành Hiệp định Giơnevơ và là công tác lớn, rất quan trọng của tỉnh Bình Định và Liên khu V. Thực hiện nhiệm vụ 300 ngày, ta bàn giao cho đối phương theo kế hoạch đã thỏa thuận: Ngày 19/3/1955, bàn giao đến Bắc sông Lại Giang, gồm cả An Lão; ngày 28/4/1955, bàn giao đến Bắc sông La Tinh (Phù Ly); ngày 12/5/1955, bàn giao ở phía Tây đến Đồng Phó, phía Bắc đến Đập Đá; ngày 16/5/1955, bàn giao đợt cuối đến Quy Nhơn, toàn bộ lực lượng ta xuống tàu, hoàn thành việc chuyển quân tập kết.

Có thể thấy, công tác chuyển quân tập kết được thực hiện dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương, chặt chẽ, liên tục của Trung ương Đảng, Chính phủ và được Tỉnh ủy Bình Định thực hiện có hiệu quả. Đối với Đảng bộ và Nhân dân Bình Định, 300 ngày tập kết chuyển quân tại Quy Nhơn, Bình Định là khoảng thời gian không dài nhưng rất có ý nghĩa. Đây là thời gian để Đảng bộ tỉnh tranh thủ chuẩn bị bước vào giai đoạn đấu tranh cách mạng mới; nhất là chuẩn bị công tác về chính trị, tư tưởng, xác định đối tượng đi tập kết, công tác tổ chức, bảo đảm, bố trí lực lượng, cán bộ ở lại, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Đặc biệt, lựa chọn, sắp xếp và xây dựng hệ thống cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng từ tỉnh xuống cơ sở; tạo nền tảng vững chắc để hình thành các căn cứ kháng chiến và cơ sở cách mạng, phục vụ kháng chiến thắng lợi sau này.

Bảy mươi năm đã trôi qua, việc tổ chức thắng lợi chuyển quân tập kết tại Quy Nhơn, Bình Định đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng bộ và Nhân dân Bình Định về công tác nhận định, đánh giá đúng tình hình, âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, đề ra biện pháp đấu tranh phù hợp; về vận dụng pháp lý để đấu tranh giữ vững quyền độc lập, tự do, lợi ích của dân tộc; về đấu tranh giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn; về huy động sức mạnh của Nhân dân và của cả hệ thống chính trị để tổ chức lực lượng và giải quyết các vấn đề sau chiến tranh,... Đây là dịp để chúng ta tự hào về một giai đoạn rất oanh liệt, hào hùng trong lịch sử dân tộc, thời kỳ mà hòa bình, thống nhất Tổ quốc, dân tộc Việt Nam là một, Bắc - Trung - Nam sum họp một nhà đã trở thành nguyện vọng thiêng liêng, ý chí không gì lay chuyển được và đã trở thành chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này, năm 2004, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương xây dựng Bia di tích địa điểm chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn, công trình được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 24/12/2007

 


Tác giả: Th.s Nguyễn Triều Tiên - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tin nổi bật Tin nổi bật