A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá: Góp phần thực thi Luật Thủy sản

Ngay sau khi có thông báo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) về thiết bị giám sát hành trình tàu cá đạt chuẩn, ngành Thủy sản tỉnh đã phối hợp chính quyền các địa phương ven biển thông báo ngư dân lắp đặt, nhằm đảm bảo theo lộ trình quy định.

Cán bộ kỹ thuật Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá Vifish.18 để lắp cho ngư dân.

Dù tỉnh đã triển khai gấp rút nhiều giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), nhưng vẫn còn một số khó khăn do nhiều tàu cá của tỉnh chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để quản lý hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Trong số 6.118 tàu cá của ngư dân trong tỉnh, có 3.118 tàu có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có 70 tàu có chiều dài từ 24 m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình Movimar (sản phẩm của Pháp), đảm bảo theo yêu cầu. Số tàu đánh bắt xa bờ còn lại sẽ phải lắp trước ngày 1.1.2020 đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương và trước ngày 1.4.2020 đối với các tàu làm nghề khác.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá đảm bảo thực thi có hiệu quả Luật Thủy sản và các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) như khuyến nghị của EC. Chúng tôi đang phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển vận động ngư dân triển khai thực hiện đảm bảo đúng lộ trình”.

Đến nay, Tổng cục Thủy sản đã công bố thiết bị giám sát hành trình tàu cá Thuraya SF250 của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và thiết bị Vifish.18 của Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) đạt chuẩn, kết nối đồng bộ với phần mềm hệ thống giám sát tàu cá của Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá đặt tại Tổng cục Thủy sản, đáp ứng việc đồng bộ tự động nhắn tin qua hệ thống vệ tinh về trạm bờ với tần suất 2 giờ/lần đối với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên, 3 giờ/lần đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m đến dưới 24 m.

Ngay khi có thông báo về hai thiết bị giám sát trên, nhiều ngư dân đã giải tỏa được nỗi băn khoăn trước đó khi tự mua thiết bị lắp đặt. Ngư dân Văn Công Việt, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, cho biết: “Tháng 4.2019, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn lắp đặt thử nghiệm máy Vifish.18 trên tàu cá của tôi. Thấy thiết bị này hoạt động hiệu quả nên tôi đã mua lắp đặt luôn, nhưng cũng hơi lo lắng vì không biết thiết bị này có đạt chuẩn quy định hay không. Giờ thì hoàn toàn yên tâm rồi!”. Ngư dân Nguyễn Việt Hằng, cũng ở phường Hải Cảng, bộc bạch: “Cả 3 tàu cá của tôi đều làm nghề lưới vây ánh sáng; trong đó chiếc tàu vỏ thép được Nhà nước hỗ trợ lắp đặt máy Movimar đã đáp ứng quy định. Còn lại 2 tàu vỏ gỗ dài trên 15 m thì sắp tới tôi sẽ mua lắp đặt thiết bị mới được Tổng cục Thủy sản công bố đạt chuẩn. Bởi theo luật định, tàu cá hoạt động ở vùng khơi phải được lắp thiết bị giám sát thì mới được ra khơi”.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, Giám đốc Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, hiện có hơn 100 chủ tàu cá đăng ký với đơn vị để lắp thiết bị giám sát hành trình Vifish.18, khi họ đánh bắt trở về trong thời gian tới sẽ tiến hành lắp máy.

ĐOAN NGỌC

Theo baobinhdinh.com.vn



Tin nổi bật Tin nổi bật