LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI NĂM 2024: Thêm quyền lợi, mở rộng đối tượng thụ hưởng
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2025 với nhiều điểm mới quan trọng, tác động trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động cũng như người sử dụng lao động.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những điểm mới này, Báo Bình Định có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Lý, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh.
* Theo ông, đâu là những điểm mới nổi bật nhất của Luật BHXH năm 2024?
- Luật BHXH năm 2024 gồm 11 chương, 141 điều; tăng 2 chương và 16 điều so với Luật hiện hành, bao gồm nhiều điểm mới. Trong đó có một số điểm mới trọng tâm như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm còn 15 năm để hưởng chế độ hưu trí.
Luật cũng bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia BHXH; bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần…
* Cách tính lương hưu mới đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Ông có thể khái quát những thay đổi chính so với trước đây?
- Luật BHXH năm 2024 quy định giảm số năm tối thiểu đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm còn 15 năm. Điều này tạo cơ hội cho người lao động tham gia muộn, không liên tục vẫn có thể tích lũy đủ điều kiện để nhận lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ BHYT. Mục tiêu là giúp giảm tình trạng người lao động chọn hưởng BHXH một lần do không đủ thời gian đóng như trước đây.
Mặt khác, Luật giữ nguyên tỷ lệ hưởng tối đa là 75%. Cụ thể, lao động nam đóng BHXH 15 năm được hưởng 40%, mỗi năm sau đó tăng thêm 1%, đến 20 năm tương ứng 45%, rồi mỗi năm tiếp theo tăng 2%. Lao động nữ đóng 15 năm được hưởng 45%, sau đó mỗi năm tăng 2%. Trường hợp thời gian đóng ở Việt Nam dưới 15 năm theo điều ước quốc tế, mỗi năm sẽ tính theo tỷ lệ 2,25%.
Bên cạnh đó, luật mới cũng sửa đổi chế độ trợ cấp một lần khi nghỉ hưu nhằm khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu. Có hai mức tính đó là: 0,5 lần mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng vượt mức quy định; 2 lần mức lương bình quân cho mỗi năm đóng sau khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Đặc biệt, để khuyến khích người lao động không nhận BHXH một lần, Luật BHXH 2024 bổ sung nhiều quyền lợi hấp dẫn nếu bảo lưu thời gian đóng như: Tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ với mức cao hơn; được hưởng lương hưu dễ dàng hơn; được cấp BHYT khi về hưu hoặc nhận trợ cấp hằng tháng nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Những quy định mới này được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng số người có lương hưu, ổn định cuộc sống khi về già và được chăm sóc y tế tốt hơn thông qua BHYT.
Luật BHXH 2024 giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm còn 15 năm để hưởng chế độ hưu trí.
- Trong ảnh: Người nhận lương hưu kỳ chi trả tháng 5.2025. Ảnh: N.M
* “Mức tham chiếu” là khái niệm mới được dùng để làm cơ sở tính mức đóng, mức hưởng BHXH thay cho lương cơ sở từ ngày 1.7.2025…
- Đúng vậy, Luật BHXH năm 2024 quy định mức tham chiếu là căn cứ để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH và do Chính phủ quyết định. Trước mắt, mức tham chiếu bằng mức lương cơ sở hiện hành; về sau sẽ được điều chỉnh phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách.
Về căn cứ đóng BHXH bắt buộc, tiền lương phải từ mức tham chiếu đến tối đa 20 lần mức tham chiếu. Với khu vực nhà nước, cách tính lương giữ như cũ. Khu vực ngoài nhà nước sẽ tính dựa trên lương, phụ cấp và các khoản bổ sung ổn định. Một số đối tượng đặc thù như chủ hộ kinh doanh, người quản lý không hưởng lương… được chọn mức đóng trong khung quy định và có thể điều chỉnh sau 12 tháng.
Với BHXH tự nguyện, mức thu nhập làm căn cứ đóng vẫn giữ như hiện hành, nhưng thay mức lương cơ sở bằng mức tham chiếu, dao động từ chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn đến 20 lần mức tham chiếu.
* Người lao động cũng rất quan tâm đến những điểm mới liên quan đến chế độ thai sản. Ông có thể thông tin cụ thể hơn?
- Luật BHXH 2024 có nhiều sửa đổi quan trọng, bảo vệ tốt hơn quyền lợi thai sản cho người lao động. Cụ thể, bổ sung chế độ thai sản cho cả trường hợp thai từ 22 tuần tuổi trở lên bị chết; cả người chồng cũng được nghỉ và hưởng chế độ như sinh con nếu đủ điều kiện. Thời gian nghỉ đối với trường hợp chưa đủ điều kiện cũng được mở rộng hơn trước.
Ngoài ra, điều kiện hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ nghỉ điều trị vô sinh trước sinh cũng được nới lỏng. Với lao động nam, nếu vợ sinh ba trở lên phải phẫu thuật, sẽ được nghỉ thêm ngày công. Thời gian nghỉ thai sản vẫn được tính là thời gian đóng BHXH bắt buộc và không phải đóng thêm.
Đặc biệt, lần đầu tiên, chế độ thai sản được bổ sung vào BHXH tự nguyện: Lao động đủ điều kiện sẽ được trợ cấp 2 triệu đồng/con khi sinh con hoặc thai từ 22 tuần tuổi trở lên bị chết. Kinh phí do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Đây là bước tiến lớn để tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện.
* Xin cảm ơn ông!