A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định mức tham chiếu và điều kiện hưởng lương hưu sau 15 năm làm việc

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết và nhiều nội dung quan trọng khác. Một trong số những luật được thông qua lần này mang lại sự quan tâm của dư luận xã hội, được thảo luận nhiều trên các diễn đàn, hội nhóm của người lao động (NLĐ) là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Giải quyết những bất cập từ thực tiễn, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho NLĐ
Quá trình thực thi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 và và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ đã phát sinh những vướng mắc, bất cập. Do đó, Luật BHXH (sửa đổi) được ban hành nhằm bảo đảm an sinh xã hội; khắc phục căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút NLĐ tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho NLĐ đang làm việc và người hưởng lương hưu; hoàn thiện cơ chế quản lý và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Luật gồm 11 chương, 141 điều với một số điểm mới cơ bản như:
- Quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần quy định của Luật Người cao tuổi về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi;
- Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến một số nhóm đối tượng, như: chủ hộ kinh doanh của hộ có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương..., NLĐ làm việc không trọn thời gian...;
- Mở rộng quyền lợi được thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc cho người tham gia BHXH ở một số nhóm đối tượng như: người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 02 triệu đồng cho mỗi con mới sinh do ngân sách Nhà nước bảo đảm;
- Quy định cụ thể về “mức tham chiếu” (MTC) thay cho “mức lương cơ sở"; về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước;
MTC được áp dụng như thế nào
Theo Điều 7 của Luật thì MTC là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH và do Chính phủ quyết định. MTC được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ BHXH.
Cũng theo Luật, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng MTC và cao nhất bằng 20 lần MTC tại thời điểm đóng.
Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì MTC bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì MTC không thấp hơn mức lương cơ sở.
- Như vậy, đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì từ ngày 01/7/2024 mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng (Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ Quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang), tức là MTC trong trường hợp này là 2.340.000 đồng.
- Trong trường hợp NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương (Điều 31 của Luật). Do đó, theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động thì mức lương tối thiểu theo tháng của vùng I kể từ ngày 01/7/2024 là 4.960.000 đồng/tháng, tương tự mức lương tối thiểu vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng và vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.
Khoản 3, Điều 46 cũng quy định mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau bằng 30% MTC; đồng thời mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản cũng bằng 30% MTC (Khoản 3, Điều 60).
Bên cạnh đó, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần MTC tại thời điểm đóng.
MTC còn dùng để tính mức trợ cấp một lần (cho mỗi con) khi sinh con, mang thai hộ nhận con nuôi và bằng 2 lần MTC tại tháng lao động nữ sinh con, nhận con do nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi.
Ngoài ra, tại Điều 31 quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nêu: Các đối tượng sau được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng MTC và cao nhất bằng 20 lần MTC tại thời điểm đóng: NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác; Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí; Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng BHXH theo tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đã lựa chọn thì NLĐ được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Về tỷ lệ đóng BHXH
Luật BHXH (sửa đổi) kế thừa quy định của Luật hiện hành. Theo đó, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc bao gồm: 3% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ ốm đau và thai sản; 22% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện bằng 22% thu nhập làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Tỷ lệ đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động và người lao động


Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 01/7/2025
Đối với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Điều 64 quy định giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, cụ thể:
- Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, g, h, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản (2) mục 2;
+ Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản (3) mục 2 và có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021;


 

Thợ mỏ là một trong những nghề thuộc nhóm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
 

+ Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại khoản (2) mục 2 và có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định của Chính phủ;
+ Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Đối tượng quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 2 khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi quy định tại khoản (2) mục 2, trừ trường hợp Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật cơ yếu, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quy định khác;
+ Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định tại khoản (2) mục 2 và có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021;
+ Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Chính phủ quy định việc hưởng lương hưu đối với trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh hoặc mất hồ sơ và các trường hợp đặc biệt khác.
Đối với trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện, theo Điều 98 thì những người này được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản (2) mục 2 và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.

 


Tác giả: Thùy Dung
Nguồn:congdoanbinhdinh.org.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật