|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình giá tiêu dùng tỉnh Bình Định Tháng 7/2024

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh Bình Định tháng 7 năm 2024 tăng 0,56% so tháng trước, tăng 3,41% so với cùng kỳ năm trước,; tăng 2,05% so với tháng 12 năm trước, bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ.

Ảnh CPI tháng 7 2024

Tháng 7/2024, tỉnh Bình Định tổ chức chuỗi sự kiện du lịch hè năm 2024 "Quy Nhơn - Thiên đường biển - Tỏa sáng và phát triển" với chương trình văn hóa, thể thao, thương mại sôi nổi và hấp dẫn. Bên cạnh đó, từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng khiến nhiều người lo lắng giá hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng theo. Song đến nay, tình hình giá cả, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định vẫn khá ổn định. 

So tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 07 nhóm tăng giá so với tháng trước như: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,54%; nhóm giao thông tăng 1,47%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,71%; nhóm văn hóa, giải trí du lịch tăng 0,54%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,06%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; Có 04 nhóm chỉ số ổn định so với tháng trước là: nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.
Chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%, cụ thể: Chỉ số nhóm lương thực tăng 0,06% đối với nhóm hàng bột mì và ngũ cốc tăng 2,34%, do nguyên liệu bột mì tăng 1,42%, ngô tăng 1,38%, khoai lang tăng 3,53% do đã hết mùa vụ nên giá tăng. Ngược lại, giá gạo giảm 0,30%, vì gạo xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến giá gạo trong nước giảm theo. Nhóm thực phẩm nhích nhẹ 0,59%, bởi một số nhóm như: Nhóm thủy sản tươi sống tăng 0,70%; nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 2,26%; nhóm quả tươi, chế biến tăng 0,96%, do nhu cầu tiêu dùng nhiều trong mùa hè, đồng thời lượng hàng về ít, nên giá một số mặt hàng tăng. Ngược lại: Nhóm thịt gia súc tươi sống giảm 0,06%, trong đó: Giá thịt bò giảm 0,15% do giá bò hơi giảm, nhưng giá thịt lợn tăng 0,22% do sau ảnh hưởng của dịch tả Châu Phi trên cả nước nguồn cung khan hiếm; nhóm hàng thịt chế biến giảm 0,59%; mặc dù, giá thịt lợn có tăng nhưng sức mua giảm, người tiêu dùng vẫn e ngại khi sử dụng. Thịt gia cầm tươi sống giảm 1,12% như: Giá thịt gà giảm 0,97%, giá thịt gia cầm khác giảm 2,27%, nhưng giá trứng các loại tăng 4,38%, do thời tiết nắng nóng, sản lượng trứng bị giảm nên giá tăng cao.

Chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,71%, cụ thể: Nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,75%, tăng do giá cát khai thác khó khăn nên giá tăng cao; giá điện sinh hoạt tăng 1,22% và nước sinh hoạt tăng 0,63% do tiêu thụ nhiều trong mùa hè; nhóm gas và các loại chất đốt khác tăng 0,28%.
Chỉ số giá nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,05%, do chi phí nhân công và nguyên vật liệu đầu vào tăng. Trong đó, tăng 1,15% đối với máy điều hoà nhiệt độ do thời tiết nóng, nhu cầu tiêu thụ mạnh; nhóm xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,14%; Ngược lại, một số mặt hàng có giá giảm so với tháng trước do nhiều cửa hàng tiếp tục áp dụng các chương trình khuyến mãi kích cầu mua, các mặt hàng giảm giá do thời tiết nóng không sử dụng như: Đồ nhựa và cao su giảm 1,10%; máy vi tính và phụ kiện giảm 0,25% do các cửa hàng giảm giá khuyến mãi trong mùa tuyển sinh đại học.
Chỉ số giá Giao thông tăng 1,47%; trong đó, nhóm nhiên liệu tăng 3,41%, dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,33% do giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,44%, giá vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 4,40%.
Chỉ số nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,54%, do từ ngày 01/7/2024,  mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng tăng lên 2,34 triệu đồng đã làm tăng mức đóng bảo hiểm y tế tăng 30% so tháng trước tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.
Chỉ số giá vàng tăng 1,58% do giá vàng thế tăng, giá đô la Mỹ ổn định.
So với cùng kỳ CPI tăng 3,41%. Trong 11 nhóm hàng chính, có 10 nhóm có chỉ số tăng: Giáo dục tăng 11,14%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,20%; nhóm Giao thông tăng 4,48%; Hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng 4,22%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,52%; Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 2,03%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,87%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,53%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,48%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%. Ngược lại, có 01 nhóm giảm là: Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,72%.
Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ lần lượt tăng so với cùng kỳ: Vàng tăng 34,06%, đô la Mỹ tăng 6,91%.
Bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 10 nhóm chỉ số tăng; tăng cao nhất là nhóm giáo dục tăng 10,98%; kế tiếp là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,79%; nhóm giao thông tăng 3,68%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,09%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,25%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,80%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 1,66%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,51%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,35%.
Chỉ số giá vàng tăng 25,98%, giá đô la Mỹ tăng 5,91% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, Bảy tháng đầu năm 2024 tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao; vui chơi giải trí; CPI 7 tháng đầu năm 2024 tại tỉnh Bình Định tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ. Tuy nhiên, việc tăng mức lương tối thiểu sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi giá cả hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, tăng lương không tạo ra lạm phát kỳ vọng. Thực tế từ nhiều lần tăng lương cơ sở trước đây cho thấy, lương chưa tăng giá cả đã chạy trước, “lương đuổi theo giá”, nên việc tăng lương không mang nhiều ý nghĩa, chủ yếu là để bù đắp phần chi phí giá cả tăng lên. Trong những tháng cuối năm 2024, các cơ quan chức năng trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, nhằm đảm bảo nhu cầu đời sống của nhân dân trong tỉnh./.


Tác giả: Nguyễn Thị Bích Thuỷ
Nguồn:cucthongke.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật