A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều mô hình bảo vệ môi trường biển phát huy hiệu quả

Thời gian qua, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương ven biển triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững. Trong đó, nhiều hoạt động, mô hình bảo tồn tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven đầm, ven biển đã phát huy hiệu quả.

Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển

Trong tháng 5 và 6.2024, rùa nhiều lần vào bãi biển thuộc xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đẻ với số lượng hơn 400 trứng. Hiện một lượng lớn trứng rùa đã nở, được chính quyền, các tổ chức liên quan và người dân địa phương bảo vệ, di dời đến nơi an toàn. Đây không phải lần đầu, bởi năm 2021, bãi biển xã Nhơn Hải cũng có rùa lên bờ đẻ gần 400 trứng; sau đó được bảo vệ, ấp nở với tỷ lệ trứng nở đạt hơn 80%.

Đáng nói, không chỉ bãi biển xã Nhơn Hải, rùa còn vào bãi biển Cù Lao Xanh (xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn) làm ổ, đẻ trứng vào giữa tháng 7 vừa qua. Điều này cho thấy hoạt động bảo vệ rùa biển, hệ sinh thái rạn san hô và bảo vệ môi trường biển thuộc vùng biển Quy Nhơn do cộng đồng địa phương thực hiện đã mang lại tín hiệu tích cực.

TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), cho biết: “Môi trường biển trong sạch, hệ sinh thái biển đa dạng, hoạt động sống không bị đe dọa là điều kiện thích hợp để rùa biển, cá voi thường xuyên “cập bến” vùng biển Quy Nhơn, Đề Gi, Hoài Hải”.

Được biết, những năm qua, các Tổ chức cộng đồng (TCCĐ) thuộc xã Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu, phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) triển khai nhiều hoạt động và đạt kết quả tích cực trong bảo tồn, bảo vệ rùa biển; bảo vệ rạn san hô, môi trường tại khu vực biển được giao quản lý.

Ông Nguyễn Tôn Xuân Sáng, thành viên TCCĐ bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven bờ xã Nhơn Hải, cho biết: TCCĐ của xã gồm 50 thành viên, hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Ngoài bảo vệ rùa biển, rạn san hô, các thành viên còn thường xuyên thu gom, vớt các loại rác thải ở khu vực ngoài khơi và dưới đáy biển để làm sạch biển.

“Thành quả mà chúng tôi có được là rùa biển liên tục vào bãi biển xã Nhơn Hải đẻ trứng và ấp nở thành công. Điều này vừa góp phần bảo tồn giống loài quý, vừa thu hút du khách để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng làng biển”, ông Sáng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, UBND xã tạo điều kiện, hỗ trợ TCCĐ của xã thực hiện các hoạt động bảo vệ rạn san hô và đồng quản lý NLTS ven bờ. Tăng cường tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư bảo tồn, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển nhằm phục vụ đề án phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Các thành viên TCCĐ xã Nhơn Hải thu gom, vớt rác ngoài khơi và dưới đáy biển. Ảnh: TCCĐ xã Nhơn Hải

Bảo vệ NLTS và đa dạng sinh học

Thời gian qua, công tác bảo vệ NLTS ven đầm, ven biển cũng được ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ven biển tích cực thực hiện. Các mô hình đồng quản lý và TCCĐ được củng cố, kiện toàn, góp phần bảo vệ hiệu quả NLTS và bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực đã được cấp thẩm quyền giao quản lý.

Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: Đầu năm 2024, huyện công nhận và giao quyền cho TCCĐ các xã ven đầm Trà Ổ thực hiện đồng quản lý, bảo vệ, khai thác NLTS tại khu vực này. TCCĐ được thành lập trên cơ sở tự nguyện, gồm hơn 190 thành viên là hộ dân, cá nhân ở 4 xã Mỹ Đức, Mỹ Châu, Mỹ Lợi và Mỹ Thắng.

TCCĐ thường xuyên tuần tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trái phép tại khu vực đầm Trà Ổ. Đây là hướng đi phù hợp, lấy người dân làm nòng cốt trong phát triển NLTS, bảo vệ đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững.

Đồng quan điểm, ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho hay: Thực hiện mô hình đồng quản lý và TCCĐ, cộng đồng ngư dân tích cực cùng chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ NLTS. Kịp thời phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng ngăn ngừa, truy bắt, xử lý những trường hợp dùng xung điện, xiết máy, chất nổ khai thác thủy, hải sản tại khu vực đầm Đề Gi.

Ông Nguyễn Văn Nhung, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Biển và Hải đảo (Sở TN&MT), cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động về phát triển bền vững kinh tế biển. Trong đó, trọng tâm là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh; bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.

Thời gian qua, các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương ven biển tăng cường bảo tồn, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Điển hình như dự án “Quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vùng ven bờ gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng”; “Nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã, phường ven biển”.

Ngoài ra, mô hình “Thu gom rác thải nhựa từ tàu cá về bờ” cho 200 tàu cá trên địa bàn tỉnh; “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải ngành thủy sản nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại TP Quy Nhơn” đã góp phần không nhỏ vào phát triển bền vững kinh tế biển.     


Tác giả: VĂN LỰC
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật