Bình Định: Sản xuất và xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng
Hoạt động xuất khẩu tỉnh Bình Định 7 tháng đầu năm 2024 có sự tăng trưởng vượt bậc và đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Để hiểu rõ hơn về kết quả này, Tạp chí Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định.
TCCT: Thưa ông, xin ông cho biết tình hình phát triển công nghiệp và xuất nhập khẩu tỉnh Bình Định trong 7 tháng vừa qua?
Ông Ngô Văn Tổng: Hiện nay, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng tiếp tục diễn ra trong bối cảnh thế giới có những biến động khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen... đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức về đơn hàng, thị trường xuất khẩu do xung đột quân sự, bất ổn chính trị leo thang tại một số quốc gia; đồng tiền của nhiều nước mất giá mạnh so với USD; giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa, vận tải thế giới... biến động mạnh.
Việc tiếp tục triển khai các phương án, biện pháp, giải pháp cân đối cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tăng cường nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa, kiểm soát thị trường góp phần bình ổn thị trường, cùng các chủ trương, chính sách và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng có nhiều phục hồi tích cực, tháng sau tích cực hơn tháng trước, tăng trưởng vượt dự báo, kết quả cụ thể như sau:
Về phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Bình Định đã thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị cao trong sản xuất công nghiệp; đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, qua đó đã nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời đề xuất các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành tháng 7/2024 ước tăng 11,05% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, IIP ước tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Đối với hoạt động xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng vượt bậc, đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ được hỗ trợ bởi sự phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… và những nỗ lực trong việc đẩy mạnh ký kết hợp đồng của các doanh nghiệp xuất khẩu để mở rộng, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu khác.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2024 ước thực hiện 123 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 982,6 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, đạt 59,6% kế hoạch năm (1.650 triệu USD).
Kim ngạch nhập khẩu tháng 7/2024 ước thực hiện 45,3 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Tính chung kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 250,5 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ.
TCCT: Được biết, xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2024 của tỉnh có sự tăng trưởng vượt bậc và đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, để có được kết quả tích cực này là nhờ đâu, thưa ông?
Ông Ngô Văn Tổng: Hoạt động xuất khẩu của tỉnh có sự tăng trưởng khá và ổn định trong 7 tháng đầu năm 2024, để có được những kết quả này, đó là nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ các chủ trương chính sách, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ, Bộ Công Thương; sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh và sự nỗ lực, chung sức của cộng động doanh nghiệp trong tỉnh.
Đó là sự phục hồi tích cực từ các thị trường lớn, thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU…; các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia có hiệu lực cũng đã góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tạo đà tăng cho các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp thời gian tới.
Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Dũng Nhân
Sở Công Thương thường xuyên chủ động làm việc với các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá, để phố hợp giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo.
Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua của các cơ quan nhà nước, của các doanh nghiệp cũng đã góp phần kết nối tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp với các thị trường trong và ngoài nước, hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc khai thác tìm kiếm thị trường, tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
TCCT: Thời gian qua Sở Công Thương Bình Định đã có những hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu?
Ông Ngô Văn Tổng: Nhằm tiếp tục theo dõi, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời phản ánh, hỗ trợ tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, theo đó trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương đã tiếp nhận và đề xuất giải quyết 37 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh và phân loại thành 10 nhóm vấn đề (ngân hàng, tài chính, bảo hiểm xã hội, xây dựng, đất đai, nông nghiệp, khoáng sản, điện…) do các Sở, ngành, địa phương; các doanh nghiệp, Hiệp hội cung cấp.
Thời gian qua, Sở Công Thương cũng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức 02 buổi gặp gỡ, đối thoại và trực tiếp nghe các Hiệp hội, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Hiệp hội, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu để góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở Công Thương thường xuyên đẩy mạnh công tác hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp thông qua các hội nghị, hội thảo tập huấn phổ biến kiến thức liên quan đến xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế, logistics; hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thông qua các chính sách xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị sản xuất thông qua các chính sách khuyến công; hỗ trợ việc chuyển đổi số, tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Phối hợp với các sở ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua các hội nghị, hội thảo, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại tỉnh.
Phối hợp các sở ngành có liên quan đề xuất các giải pháp hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường; tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định giới thiệu các sản phẩm của tỉnh đến nhà đầu tư nước ngoài
Hằng tháng, thông qua các Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức, Sở Công Thương mời các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh tham gia để nắm thông tin quy định, chính sách, nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Sở Công Thương cũng kịp thời cập nhật các cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trên để doanh nghiệp theo dõi, nắm bắt thông tin, có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh khởi sắc.
TCCT: Để đà tăng trưởng này tiếp tục trong thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm đạt được mục tiêu đã đề ra, xin ông cho biết Sở Công Thương có những giải pháp, kiến nghị gì?
Ông Ngô Văn Tổng: Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định 7 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng nhưng dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó khăn về thị trường xuất khẩu khi mà lạm phát, lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị và các vấn đề chính trị khác có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá gia tăng và có nhiều diễn biến bất thường.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra, Sở Công Thương tập trung triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển hàng xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2243/QĐ-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh; Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 05/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Thứ hai, tiếp tục công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định FTA thế hệ và thị trường của các nước cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm, mở rộng thị trường mới tiềm năng; tiếp tục củng cố, nắm vững các quy định để tận dụng các cơ hội, khắc phục những hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa các lợi thế của các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết như: EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP... Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và phòng vệ thương mại.
Thứ ba, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Điều hành tốt việc cung ứng đủ nguồn điện, nguồn nguyên liệu cho sản xuất, đảm bảo cho sản xuất phát triển ổn định, nhất là sản xuất chế biến hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường để kịp thời cung cấp cho các hiệp hội, doanh nghiệp biết.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương thiết lập mối quan hệ với các cơ quan Thương vụ, Tham tán Thương mại Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để thu thập thông tin thị trường, doanh nghiệp nhập khẩu, cơ chế chính sách xuất khẩu của các nước, lộ trình cắt giảm thuế quan, các rào cản kỹ thuật trong thương mại; dự báo tình hình cung - cầu hàng hóa, các dịch vụ để phổ biến kịp thời đến các doanh nghiệp ứng phó và hạn chế rủi ro và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, mở rộng thị trường.
Thứ năm, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại (cả trực tuyến và trực tiếp) cho các doanh nghiệp thông qua công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế chuyên ngành và đa ngành. Hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đổi mới công tác xúc tiến thương mại, thương mại điện tử; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tiếp cận thị trường thông qua việc thuê gian hàng của các websites bán hàng trực tuyến trên thế giới như Amazon, Alibaba,...
Cuối cùng, doanh nghiệp cần tiếp tục tập trung sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng để đảm bảo quy mô cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi; thay đổi một cách căn bản hơn việc xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng.
Trân trọng cảm ơn ông!