|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm, phát triển chăn nuôi bền vững

(binhdinh.gov.vn) - Chiều 17/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.      

Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì điểm cầu Bình Định.

Điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 5 năm trở lại đây, chăn nuôi là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ổn định (4,5-6%). Sản phẩm vật nuôi tăng trưởng đều qua các năm. Trong đó, tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng trưởng trung bình 2,7%/năm; sản lượng trứng tăng 7,1%/năm và sản lượng sữa tươi nguyên liệu tăng 4,5%. Ngày càng có nhiều sản phẩm chăn nuôi được mở rộng xuất khẩu như mật ong, lợn sữa, tổ yến, trứng vịt muối, sữa và thịt gà chế biến... 

Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, ngoại trừ đàn trâu giảm so với năm 2022, các đàn vật nuôi khác đều tăng số lượng so với cùng thời điểm năm 2022. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 373,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sản lượng sữa bò tươi ước đạt 892,5 triệu lít, tăng 3,4%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 3632,9 nghìn tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, ước tính tổng số gia cầm của cả nước tăng khoảng 3,5%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất ước đạt 1737,2 nghìn tấn, tăng 6,0%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 14,2 tỷ quả, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành chăn nuôi đã và đang chuyển trọng tâm xây dựng một nền chăn nuôi quy mô tập trung chuyên môn hóa, hiện đại, xây dựng hệ sinh thái ngành chăn nuôi. Định hướng phát triển chăn nuôi bền vững của nước ta trong thời gian tới phải đảm bảo 3 trụ cột chính, gồm lợi nhuận kinh tế, môi trường và xã hội.

Về công tác ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm, trong thời gian qua, mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ NN&PTNT thường xuyên, liên tục ban hành rất nhiều văn bản, tổ chức các Đoàn công tác, các hội nghị quán triệt nhưng việc ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm của các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến số liệu báo cáo không phản ánh đúng thực tế, khiến việc ngăn chặn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhập lậu gia súc, gia cầm gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ các bệnh động vật mới, các biến chủng vi rút ngoại xâm nhập vào trong nước, gây các đợt bùng phát dịch bệnh động vật nguy hiểm (như bệnh CGC, bệnh tai xanh lợn, bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò...); gây thiệt hại về kinh tế cho đàn gia súc, gia cầm nuôi trong nước và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường; ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi bền vững; ảnh hưởng đến truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật...

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm. VIPA cũng cho biết, mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu có chiều hướng gia tăng rất mạnh. Một số tỉnh trọng điểm về buôn bán, vận chuyển, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao, Long An, An Giang. 

Tại Bình Định, trong thời gian qua, chăn nuôi của tỉnh được duy trì và phát triển ổn định, công tác quản lý kiểm soát chăn nuôi, phát triển tái đàn gắn với phòng chống dịch bệnh luôn được tăng cường và phát huy hiệu quả. Chăn nuôi dần phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thức chăn nuôi chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao. 

Tỉnh Bình Định có vị trí cách xa các cửa khẩu biên giới. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại hàng năm hơn 200 tấn, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh (sức tiêu thụ của người tiêu dùng hàng năm chỉ khoảng 35%) và xuất đi các tỉnh khác. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT, Công an tỉnh, Ban Chỉ đạo 389, Cục Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra hoạt động lưu thông, mua bán động vật, sản phẩm động vật; đồng thời, chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động xuất nhập động vật, nhất là các cơ sở giết mổ động vật tập trung. Kết quả chưa phát hiện trường hợp nào nhập lậu gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng cần đánh giá đúng vai trò quan trọng của công tác ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm, từ đó đề ra các giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng này.

Nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững cũng đã được nêu tại hội nghị như: tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi; nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển giống vật nuôi; chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi; tổ chức sản xuất gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm; ứng dụng khoa học, công nghệ và khuyến nông trong chăn nuôi; tăng cường chế biến, chế biến sâu gắn với xúc tiến thị trường thương mại; ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi; đẩy mạnh chuyển đổi số trong chăn nuôi. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Ngành chăn nuôi phải lớn mạnh, đứng vững, không để bị phá hoại từ bên ngoài.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, hiện tại các nghị định, luật, thông tư, chỉ thị, công điện... về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật... đã có đầy đủ, vấn đề quan trọng là công tác tổ chức thực hiện thế nào cho hiệu quả. Do đó, các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, các địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thú y các cấp từ tỉnh tới thôn, bản; xây dựng lực lượng này thành một khối thống nhất, liên kết chặt chẽ theo tinh thần: làm việc bằng hết tâm trí, có trách nhiệm trước ngành, doanh nghiệp, người dân.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến  cũng đề nghị các lực lượng phối hợp chặt chẽ, xây dựng quy chế phối hợp cụ thể, không nói chung chung, hằng năm có sơ kết tổng kết, rút kinh nghiệm. Các cơ quan truyền thông tiếp tục đồng hành cùng ngành nông nghiệp trong công cuộc đấu tranh, ngăn chặn, phát giác hoạt động buôn bán, nhập lậu gia súc gia cầm, con giống không rõ nguồn gốc để bảo vệ ngành chăn nuôi, doanh nghiệp, người sản xuất trong nước. Bộ NN&PTNT sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng này hoạt động có hiệu quả./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật