Ngành Thanh tra triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019
Trong những tháng đầu năm, ngành Thanh tra đã bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để triển khai nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác thanh tra, tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Toàn ngành đã triển khai trên 3.550 cuộc thanh tra hành chính và trên 84.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm 50.339 tỉ đồng, 1.004 ha đất. Kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 34.500 tỉ đồng, 142 ha đất và đã thu hồi được 4.037 tỉ đồng. Kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 692 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 54.144 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.587 tỉ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 44 vụ, 73 đối tượng. Tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra và đã thu hồi 639 tỉ đồng, 7 ha đất, xử lý hành chính 215 tổ chức, 686 cá nhân, khởi tố 04 vụ, 03 đối tượng.
Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 182.303 lượt công dân với 124.178 vụ việc, 1.935 đoàn đông người; xử lý 82.260 đơn đủ điều kiện trên tổng số 137.447 đơn tiếp nhận; giải quyết 8.952 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền , đạt 72,9%. Thông qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại quyền lợi cho công dân 73 tỉ đồng, 02 ha đất; trả lại quyền lợi cho 800 người, xử lý hành chính 183 người, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ.
Theo đánh giá, Bình Định là một trong các địa phương có tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao.
Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra tại 2.252 cơ quan , tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch và đã phát hiện 77 đơn vị vi phạm. Tiến hành 1.036 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua đó phát hiện 183 vụ việc vi phạm, 129 người vi phạm kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 21 tỉ đồng. Qua kiểm tra nội bộ, phát hiện 03 vụ, 03 đối tượng; qua hoạt động thanh tra, đã phát hiện 20 vụ, 10 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 05 vụ, 04 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế như: Nhiều cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch, công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra chưa thường xuyên, kết quả xử lý sai phạm về đất đai còn thấp. Việc theo dõi tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của công dân chưa thường xuyên; nhiều vụ việc giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn nhiều sai sót; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn mang tính hình thức. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp; tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả; số vụ việc tham nhũng được phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán; vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây dư luận và bất bình trong nhân dân.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu ngành Thanh tra tiếp tục triển khai công tác thanh tra theo kế hoạch năm gắn với thanh tra đột xuất, thanh tra vụ việc do cấp trên giao, nội dung thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm; theo dõi, đôn đốc và tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Thanh tra Chính phủ sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra năm 2020. Các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật tiếp công dân, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và nghị định hướng dẫn thi hành, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chủ động nắm bắt tình hình, nhất là các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp có nguy cơ phát sinh thành “điểm nóng”, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo hướng đi vào thực chất, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật đối với các hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, nhất là Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục triển khai Chương trình công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện chương trình hành động phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của Chính phủ.
Kim Loan