|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 28/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc giữa Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân của 19 tỉnh, thành phố về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính (TTHC) và thi hành án hành chính (THAHC), trong đó có tỉnh Bình Định.

Điểm cầu Bình Định

Thời gian qua, việc chấp hành Luật TTHC năm 2015, tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa xét xử các vụ án hành chính đã được Chủ tịch UBND, UBND nhiều địa phương thực hiện nghiêm túc. Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND là người đại diện theo ủy quyền đã đề cao trách nhiệm, trực tiếp tham gia tố tụng, góp phần giải quyết các vụ việc nhanh chóng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.

Tuy nhiên, hội nghị cũng chỉ rõ tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng tăng qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017, tỷ lệ không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa tăng gấp 03 lần so với trước khi thực hiện Luật TTHC năm 2015. Bên cạnh đó, có những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được Chủ tịch UBND và UBND thi hành, dẫn đến tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 415 bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính phải thi hành. Tính đến 31/3, các địa phương đã thi hành xong 103 bản án, quyết định (đạt tỷ lệ 25%). Trong số 312 bản án, quyết định chưa thi hành xong, có đến 298 bản án, quyết định người thi hành án là Chủ tịch UBND, UBND chưa thi hành án; và số bản án, quyết định chưa được thi hành của 19 tỉnh, thành phố tham dự hội nghị là 258/312 bản án, quyết định. Mặc dù vậy, đến nay, chưa có trường hợp nào Chủ tịch UBND, UBND bị xử lý trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ THAHC.

Theo phân tích, đánh giá, những hạn chế trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Hệ thống pháp luật có những quy định chưa phù hợp với thực tế, chồng chéo, không thống nhất dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất; hồ sơ không đầy đủ gây khó khăn trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, của người dân, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án hành chính; Luật TTHC năm 2015 thu hẹp phạm vi người được ủy quyền tham gia tố tụng so với Luật TTHC năm 2010 dẫn đến khó khăn khi thực hiện. Trong khi đó, một số Chủ tịch UBND và UBND chưa quan tâm, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác THAHC, thậm chí có những UBND cấp tỉnh coi công tác THAHC là công việc của Cơ quan Thi hành án dân sự. Một số trường hợp các bản án, quyết định của Tòa án bị chậm thi hành trong nhiều năm là do phán quyết của Tòa án trong bản án, quyết định tuyên không rõ hoặc rõ nhưng không có tính khả thi trên thực tế...

Tại hội nghị, UBND một số tỉnh, thành phố đã báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật TTHC, THAHC của Chủ tịch UBND, UBND tại địa phương mình và thảo luận, góp ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về việc chấp hành pháp luật TTHC, THAHC.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị Chủ tịch UBND, UBND các địa phương cần quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật TTHC và những chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật TTHC tại địa phương, đặc biệt là trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của vụ án; trách nhiệm tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa và trách nhiệm tự nguyện THAHC. Nâng cao nhận thức của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc chấp hành nghiêm pháp luật TTHC khi có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện tại Tòa án và trong việc chấp hành nghiêm các bản án, quyết định của Tòa án mà mình là người phải thi hành án. Chủ tịch UBND các cấp nâng cao trách nhiệm trong việc tham gia đối thoại, trực tiếp tham dự các phiên tòa xét xử của Tòa án đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và của cá nhân Chủ tịch UBND bị khởi kiện. Đối với các bản án, quyết định chưa được thi hành, cần có giải pháp tổ chức, chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm, trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo cấp trên xin ý kiến giải quyết dứt điểm vụ việc. Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm; trường hợp không chấp hành án hành chính sẽ bị xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật