|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Y tế: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh sau lũ

Ngành Y tế đang tất bật khắc phục hậu quả lũ lụt. Tăng cường y tế dự phòng là yêu cầu quan trọng được đặt ra.

Xử lý môi trường sau lũ tại xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.


Ngay khi nước lũ vừa rút, các cơ sở y tế đã khẩn trương khắc phục thiệt hại, ổn định công tác khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế còn tổ chức khám bệnh cho người dân vùng lũ. Ngày 19.11, hoạt động này được Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước tổ chức tại thôn Nhân Ân (xã Phước Thuận) và Phong Tấn (xã Phước Lộc). Sau buổi khám bệnh, phát thuốc tại thôn Nhân Ân, bác sĩ Lưu Thị Minh Thức cho hay: “Ở thời điểm sau lũ lụt, bệnh dịch phổ biến nhất là viêm đường hô hấp trên do nhiễm nước lạnh, bên cạnh đó là sốt và đau mắt đỏ. Đối tượng mắc bệnh nhiều nhất là trẻ em”.

 

Một thực trạng đáng lo ngại trong đợt lũ vừa qua, toàn tỉnh có hơn 71.000 giếng nước bị ngập; trong đó huyện Tuy Phước chiếm số lượng lớn nhất với gần 34.000 giếng. “Một nửa số giếng trong thôn bị ngập mà nước máy thì bị cắt từ hôm lũ về. Mấy hôm nay, nhân viên y tế phải khẩn trương xử lý nước giếng, để bà con có nguồn nước đảm bảo sử dụng, tránh nguy cơ bệnh tật”, Trưởng thôn Nhân Ân Huỳnh Văn Trinh cho hay.

 

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, toàn xã có hơn 4.000 hộ dân, hầu như toàn bộ số giếng nước đều bị ngập. Trong 2 ngày 18 và 19.11, cán bộ Trạm và nhân viên y tế thôn đã tổ chức khử trùng nước giếng, phun thuốc vệ sinh môi trường. Đồng thời, cấp phát Chloramin B bột và hướng dẫn người dân cách sử dụng. Hoạt động này cũng được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương bị ngập nước.

 

Sau mỗi đợt lũ lụt, bên cạnh các bệnh về tiêu hóa, đáng lo ngại nhất là nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết. Nước tù đọng ở các vùng trũng thấp, trong các vật dụng rơi vãi là điều kiện thuận lợi để phát sinh lăng quăng. “Chúng tôi đã chỉ đạo y tế tuyến cơ sở phải tập trung triển khai các biện pháp giám sát dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết. Phải phát hiện sớm, điều trị hiệu quả ngay từ ca bệnh đầu tiên để không lây lan thành dịch, không xảy ra tử vong”, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Trương cho biết.

Ông Trương cũng cho biết thêm, để đối phó với lũ lụt, ngành Y tế từ tuyến tỉnh đến xã đã chuẩn bị khoảng 7 tấn bột Chloramin B, 2 triệu viên Chloramin B và 500 ngàn viên Aquatab (viên khử khuẩn làm sạch nước). Sau đợt lũ, Sở Y tế đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 100 cơ số thuốc phòng chống bão lụt, 1 triệu viên Chloramin B và 1 tấn bột Chloramin B.

 

Ngay trong thời điểm lũ vừa rút, lãnh đạo Sở Y tế đã trực tiếp kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả của ngành Y tế các địa phương và cơ sở y tế. Theo thống kê, ước thiệt hại của toàn ngành sau đợt lũ vừa qua chỉ khoảng 900 triệu đồng. “Nhờ chuẩn bị tốt các phương án đối phó với mưa, lũ nên các cơ sở y tế đã chủ động di dời bệnh nhân và máy móc, trang thiết bị lên cao. Vì vậy, không có thiệt hại về bệnh nhân, nhân viên y tế và máy móc, trang thiết bị y tế đắt tiền”, ông Trần Văn Trương nhận định.

 

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật