|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực sáng tạo, truyền cảm hứng học nghề

Góp phần vào công tác giáo dục nghề nghiệp, mỗi nhà giáo là tấm gương về sáng tạo, đổi mới, giữ vững ngọn lửa nhiệt tình, say mê nghề nghiệp và “truyền lửa” cho học sinh, sinh viên.

Sáng tạo, đổi mới
Thời gian qua, các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh tích cực tham gia nhiều hội thi các cấp để trau dồi kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022, đoàn Bình Định đã đạt 8 giải khuyến khích. Điểm nổi bật ở các thiết bị tự làm là sự tích hợp giữa nhiều mô đun, ngành/nghề trọng điểm, ứng dụng nhiều công nghệ kỹ thuật cao.

Các giảng viên và HSSV bộ môn Thú y (Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông Lâm Trung Bộ) truyền động dạy nghề - 

học nghề cho nhau.  Ảnh: N.M 

Đại diện nhóm tác giả mô hình Điều khiển, giám sát ứng dụng IoT trong công nghiệp, giảng viên Mai Văn Quang (khoa Điện, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) cho biết: Công nghệ sử dụng trong thiết bị có tính ứng dụng cao, đưa ra giải pháp mang tính thực tế cho điều khiển và giám sát trong công nghiệp. Việc ứng dụng mô hình vào hoạt động đào tạo sẽ khơi nguồn sáng tạo, khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV) về xây dựng mô hình giám sát nhà kính mini trên sân thượng các chung cư, hộ gia đình để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm sạch tại nhà; hoặc có thể mở rộng hơn, ứng dụng cho việc giám sát, điều khiển các thông số trong các không gian khác…
Trong khi đó, với bộ thiết bị đào tạo công nghệ thông tin đa năng, các giảng viên Trần Văn Thắng, Nguyễn Hữu Chung (Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ) hướng đến mục tiêu giúp SV công nghệ thông tin hình dung khái quát lĩnh vực mạng máy tính, hệ thống giám sát để tăng tính vận dụng vào thực tế khi ra trường. Đem thiết bị dự thi đi cọ xát với các mô hình thuộc lĩnh vực tương tự của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trong cả nước, các giảng viên đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, học hỏi được nhiều điều hay để tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp mô hình và ứng dụng vào các mô hình, thiết bị mới.
Hầu hết các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đều trăn trở về việc đổi mới trong phương pháp dạy và học. Nhà giáo Trần Hiếu Nghĩa, Trưởng Khoa Điện tử - Tin học (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, đại diện duy nhất của Bình Định được Bộ LĐ-TB&XH tôn vinh nhân ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4.10) năm 2022) tâm sự: “Để thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh mới, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải kịp thời đổi mới phương pháp đào tạo. Người thầy sẽ xuất hiện với vai trò định hướng cho HSSV, lập kế hoạch thảo luận cho từng bài, nêu rõ yêu cầu cần đạt với bài tập đó, nhất là các yêu cầu ứng dụng và liên hệ thực tiễn; nêu rõ cách đánh giá việc học của người học; động viên kịp thời các điển hình tiên tiến trong lớp, giúp đỡ các em chưa kịp hòa nhập với phương pháp mới và có tính rụt rè”.
Truyền động lực học nghề
Thú y hiện là một trong những bộ môn có kết quả tuyển sinh khá mỗi năm của Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ. Giảng viên Huỳnh Thị Thành, Tổ trưởng bộ môn Thú y (Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ) chia sẻ: “Bộ môn của mình mới nghe qua nhiều người trẻ không thích, không mê. Khi tiếp cận tuyển sinh, chúng tôi giúp các em hình dung về công việc. Phần lớn học trò ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, rất nhiều em ở các tỉnh Tây Nguyên, khi được thầy cô mô tả về công việc, tính ứng dụng của nghề, lại rất thích thú vì có thể nhìn thấy được cơ hội việc làm, tự tạo việc làm ngay sau khi ra trường. Chúng tôi đã chứng kiến niềm vui của các em khi sau mỗi đợt thực tập tại các trang trại chăn nuôi, vừa được nhận lương, vừa được giữ lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Niềm vui ấy của trò cũng truyền động lực cho người thầy”.
Để là người giỏi nghề, có thể “truyền lửa” cho HSSV, một bộ phận lớn giáo viên giáo dục nghề nghiệp tham gia vào các hoạt động sản xuất, ứng dụng chuyên môn vào thực tế cuộc sống để rèn nghề, rèn tư duy. Các nhà giáo ở nhiều nhóm nghề như: Khoa học kỹ thuật, dịch vụ - du lịch, nông lâm, văn hóa nghệ thuật… đã tích cực cộng tác với các DN, đơn vị để nâng cao kỹ năng nghề, kết nối, tạo điều kiện cho HSSV có cơ hội thực hành.
Giảng viên Lê Tiến Hán (khoa Điện, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, giải nhì Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021) chia sẻ: “Để trở thành một người truyền cảm hứng, người thầy phải nỗ lực, tích lũy kinh nghiệm và mang hết kinh nghiệm truyền dạy, để các em vững bước trên con đường lập nghiệp. Thông điệp quan trọng nhất mà người thầy giáo dục nghề nghiệp mong các thế hệ HSSV mang theo là mỗi người cần trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực mình theo đuổi”.


Tác giả: Theo Báo Bình Định
Nguồn:sldtbxh.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật