Nông dân “học không bao giờ cùng”
Là tấm gương tiêu biểu về ý thức tự học để làm giàu cho gia đình và đóng góp cộng đồng, nông dân Lê Văn Hoàng (SN 1973, khu phố Thiết Ðính Bắc, phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn) vừa được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao học bổng “Học không bao giờ cùng” năm 2023.
Năng động, sáng tạo
Qua lời giới thiệu của Hội Khuyến học tỉnh, tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Hoàng để được tận mục sở thị. Thực chứng và nghe ông thuyết minh về mô hình nuôi lươn không bùn, trồng tiêu, cây cảnh…, càng nể phục tinh thần năng động, không ngừng sáng tạo, cần cù lao động sản xuất của người nông dân này.
Ông Hoàng nghiên cứu, học hỏi để thành công mô hình nuôi lươn không bùn. Ảnh: M.H
Bôn ba ở tỉnh Khánh Hòa học và làm nghề thợ bạc đến năm 1993 sau khi tham gia một lớp học cấp tốc về nuôi tôm giống, ông Hoàng chuyển sang nghề nuôi trồng thủy sản. Năm 1997, ông trở về Hoài Nhơn đầu tư trại nuôi tôm giống, được một thời gian nghề này phải chịu sức ép cạnh tranh quá lớn từ các DN nuôi tôm công nghệ cao, ông Hoàng chuyển hướng.
Ông Hoàng kể: Với kinh nghiệm đã có, tôi tin việc nuôi lươn không bùn sẽ có nhiều cơ may thành công, vì khi đó ở địa phương chưa có mô hình nào. Kẹt nỗi tài liệu không có, tìm lớp tập huấn cũng chẳng ra, tôi đánh bạo sử dụng kỹ thuật nuôi tôm áp dụng cho nuôi lươn. Vừa làm vừa tự điều chỉnh, sau đó tôi kết nối và tham gia một số nhóm nuôi lươn không bùn ở nhiều nơi. “Nghề dạy nghề” riết rồi đúc kết cho mình nhiều kinh nghiệm.
Cực nhất là chữa bệnh cho lươn, ông Hoàng áp dụng kỹ thuật và thuốc từng chữa cho con tôm. “Trúng” thì trị hết bệnh, nhưng nhiều lần trả giá bằng thất bại. Một hai mùa đầu, cả nửa tấn lươn thả nuôi đến thu hoạch chỉ còn 30 - 50%. Dần dà có kinh nghiệm, lươn phát triển tốt, đến giờ ông Hoàng là một trong những người nuôi lươn không bùn thành công bậc nhất tỉnh ta. Cả 13 hồ nuôi của ông đều đặn cho thu hoạch 150 kg/tháng. Hiện ông đang đầu tư 2 hồ lớn để nuôi lươn đẻ gầy giống thay vì giống nhập từ miền Tây.
Ông Hoàng đúc kết: Giờ tôi có thể “nhìn nước, bắt bệnh”.Rồi nuôi lươn bằng cá tạp phối trộn với trùn quế nâng chất lượng, sản lượng lươn nuôi đáng kể. Con lươn rất nhạy với tiếng động, một khi giật mình rất dễ ảnh hưởng đến chất lượng, tôi tập cho lươn nghe nhạc… Những thành công này tôi san sẻ cho nhiều người có cùng niềm đam mê như mình!
Học bằng mọi cách, làm đến tận nơi
Là hội viên Hội Nông dân và Hội Khuyến học phường Bồng Sơn, ông Hoàng được địa phương đánh giá là tấm gương tiêu biểu, điển hình của không ngừng học tập để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và đóng góp cộng đồng.
Ngoài thành công nuôi lươn không bùn, ông Hoàng còn làm mô hình trồng tiêu, cây cảnh, trồng rừng… tất cả mang lại cho gia đình mức lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Miệng cười thật tươi, nhưng trong mắt người nông dân vẫn ánh lên vẻ bùi ngùi, khi kể lại thăng trầm trong quá trình “trằn lưng” sản xuất như cách ông nói “làm ông nông dân mà để giàu thì khổ ghê lắm”.
Bằng những đóng góp của mình, tham gia công tác ở địa phương, ông Hoàng đã được nhận bằng khen Hội Nông dân tỉnh (giai đoạn 2015 - 2020), giấy khen UBND TX Hoài Nhơn về thành tích năm 2020 và 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp nông dân nông thôn. Gia đình ông 3 năm liên tục được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập” xuất sắc tiêu biểu của phường Bồng Sơn.
“Chỉ có học, học bằng mọi cách thì trí tuệ và sáng tạo mới được bồi đắp, mới phát triển bền vững, mới làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Và, khi đã làm việc gì thì phải làm đến nơi đến chốn!”, ông Hoàng quan niệm.
“Xã hội cần nhiều sự quan tâm cho việc học tập của người lớn, thậm chí cần trao học bổng khuyến khích học tập cho người lớn, bởi vì người lớn chính là lực lượng lao động chủ yếu đang trực tiếp xây dựng đất nước trong thời đại ngày nay. Điều này cũng nhằm triển khai thực hiện mô hình Công dân học tập, xây dựng xã hội học tập” . Ông TRẦN VĂN THỌ, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh |