A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý dạy thêm, học thêm: Cần linh hoạt và sát thực tế

Việc triển khai Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm tại Bình Ðịnh bước đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm, góp phần tăng tính minh bạch và công bằng trong giáo dục.

Tuy nhiên, việc thực hiện Thông tư này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD&ÐT Nguyễn Ðình Hùng xung quanh Thông tư trên.

 Quá trình triển khai Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, Sở đã ghi nhận những kết quả bước đầu như thế nào, thưa ông?

- Một trong những chuyển biến tích cực là ý thức tuân thủ quy định pháp luật của các trường học và giáo viên được nâng cao rõ rệt. Sau khi Thông tư có hiệu lực, các trường đã tạm dừng hoạt động dạy thêm không thu tiền theo đúng quy định, để chờ hướng dẫn, tránh vi phạm quy định.

Học sinh Trường THCS Võ Xán (huyện Tây Sơn) trong tiết học môn Ngữ văn. Ảnh: HỒ ĐIỂM

Riêng về tình hình dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, giáo viên có tham gia phải báo cáo với hiệu trưởng. Hiệu trưởng quản lý, bước đầu kiểm tra và báo cáo về Sở GD&ĐT tình hình giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Nhiều đơn vị đã chủ động rà soát và xin ý kiến cấp trên trước khi tổ chức bất kỳ hình thức dạy học tăng cường nào. Điều này cho thấy tính nghiêm túc và trách nhiệm trong việc thực hiện chỉ đạo mới.

 Bên cạnh kết quả đạt được, Sở có ghi nhận những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Thông tư?

- Bên cạnh kết quả đạt được, Sở GD&ĐT đã ghi nhận một số khó khăn, vướng mắc từ các phòng GD&ĐT, phía nhà trường và giáo viên. Một số giáo viên còn bối rối do chưa thực sự hiểu rõ thủ tục đăng ký, điều kiện tổ chức lớp học thêm ngoài giờ.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm b, điểm c, khoản 4 Điều 5 Thông tư 29/2024 quy định về việc xếp lớp, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải bảo đảm yêu cầu sau: “Lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 học sinh; không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường”, “mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 2 tiết/tuần” chưa thực sự phù hợp với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và đối tượng học sinh giỏi.

Từ cuối năm 2024, UBND tỉnh đã giao dự toán kinh phí năm 2025 cho Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị đã phân bổ kinh phí cho các cơ sở giáo dục theo quy định. Vì vậy, khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT được ban hành, cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, bố trí và sử dụng kinh phí cho công tác ôn tập cho học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

 Việc thanh tra, kiểm tra các lớp học thêm ngoài giờ tại các địa phương hiện được thực hiện ra sao thưa ông?

- Từ đầu năm 2025 đến nay, Sở GD&ĐT tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch của Sở và của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, căn cứ các quy định thì hoạt động kinh doanh dạy thêm không nằm trong danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2020. Do đó, các đơn vị liên quan và các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường không cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý giáo dục về quy mô, địa điểm dạy thêm, học thêm, dẫn đến việc quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường gặp nhiều khó khăn.

 Trước nhu cầu học thêm tăng cao ở học sinh cuối cấp, nhiều trường gặp khó trong việc tổ chức ôn tập đảm bảo chất lượng. Vậy, Sở có hướng dẫn giúp các trường duy trì chất lượng dạy học trong khuôn khổ quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT?

- Trong thời gian qua, Sở GD&ĐT quan tâm đến việc duy trì, ổn định chất lượng giáo dục, nghiêm túc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; giảng dạy đảm bảo chất lượng của các tiết lên lớp chính khóa. Chúng tôi hiểu rằng học sinh lớp 9, lớp 12 có nhu cầu ôn tập lớn để chuẩn bị cho các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp. Tuy nhiên, việc tổ chức ôn tập cần tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.

Vì vậy, Sở GD&ĐT khuyến khích các trường tạo điều kiện, xây dựng kế hoạch hỗ trợ phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi. Chúng tôi cũng lưu ý giáo viên không được tự ý tổ chức lớp học thêm tại nhà nếu chưa được cấp phép theo quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.

Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra, đồng thời có giải pháp tháo gỡ cụ thể cho từng trường hợp phát sinh.

Sắp tới, sau khi UBND tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra, tổng hợp dự toán kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường của các đơn vị trực thuộc…, xem xét bố trí kinh phí thực hiện theo đúng quy định.

• Với những khó khăn, vướng mắc, Sở đã có báo cáo Bộ GD&ĐT, đề nghị điều chỉnh Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT cho phù hợp thực tiễn địa phương?

- Sau gần hai tháng triển khai thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, Sở GD&ĐT đã tổng hợp ý kiến từ các phòng GD&ĐT và trường học trên toàn tỉnh. Trong báo cáo, Sở đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc và nêu đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn cụ thể hơn. Làm sao để một chính sách mới khi triển khai thực hiện sát với thực tế và mang lại hiệu quả.

 Xin cảm ơn ông!


Tác giả: HỒ THỊ ÐIỂM
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật