|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng:

Giúp sản xuất, tiêu thụ nông sản chuyên nghiệp hơn

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), nhờ khẩn trương phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn và triển khai thực hiện cấp mã số vùng trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, đến nay việc cấp và quản lý mã số vùng trồng đảm bảo đúng kế hoạch đã xây dựng.

So với trước, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng có nhiều thay đổi. Không chỉ phân quyền cho địa phương mạnh hơn, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào cấp mã số và giám sát mã số vùng trồng toàn quốc còn cho phép các địa phương tùy theo thực tế, nhu cầu để xây dựng hồ sơ phù hợp; đồng thời, qua đó còn tăng cường trách nhiệm của địa phương.

Các địa phương tổ chức sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, đồng bộ quy trình sản xuất từ ban đầu. Ảnh: T.D

Ở Bình Định, hiện Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn, cấp mã số vùng trồng trực tuyến cho các địa phương trong tỉnh. Một điểm khác khá lớn so với trước là thông qua việc cấp mã số sẽ đánh giá toàn diện vùng canh tác, dựa trên việc xây dựng vùng nguyên liệu, chuẩn hóa quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Hơn nữa ở tỉnh ta, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng còn gắn bó mật thiết với việc thực hiện Chương trình hành động số 11/CT-TU của Tỉnh ủy về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, toàn tỉnh hình thành vùng sản xuất lúa tập trung áp dụng công nghệ thâm canh lúa cải tiến SRI 5.000 ha; vùng rau an toàn 8.000 - 10.000 ha, trong đó diện tích rau được công nhận hợp chuẩn VietGAP 100 ha; vùng cây ăn quả tập trung ở các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn; vùng cây trồng cạn ở Phù Cát, Phù Mỹ.

Đến nay, dựa trên vùng sản xuất thực tế của địa phương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cấp 8 mã số vùng trồng nội địa, trong đó có 1 mã số vùng trồng cho dưa lê, 1 mã cho cây bưởi, 1 mã cho cây đậu phụng, 5 mã cho vùng rau; tổng diện tích là 58,225 ha. Cùng với đó, phía Chi cục hướng dẫn thủ tục và lập danh sách để đề xuất Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cấp 10 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu cho cây ớt và dừa xiêm, 1 cơ sở đóng gói ớt xuất khẩu ở huyện Phù Mỹ.

Huyện Phù Cát là một trong các địa phương thuộc diện xây dựng vùng trồng tập trung gắn với vùng nguyên liệu sản xuất với các loại cây trồng gồm đậu phụng, dừa xiêm và xoài. Triển khai khá tốt vấn đề này, đến nay, huyện Phù Cát từng bước quy hoạch vùng trồng, áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ cho cây dừa xiêm và cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; với cây đậu phụng chuyển hướng sang thâm canh áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm để tăng năng suất và sản lượng cho cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Hiện nay, chúng tôi đã hình thành được vùng trồng tập trung cây đậu phụng, cây ớt, dừa xiêm và xoài. Đã có vùng xoài 65 ha ở thôn Tân Hóa Nam, xã Cát Hanh được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; trong năm 2023, huyện đăng ký vùng sản xuất ớt tươi (110 ha) ở xã Cát Tài và dừa (10 ha) ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp để cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, phía Chi cục Trồng trọt từng bước hướng dẫn để cấp mã số vùng trồng nội địa cho các diện tích rau an toàn của người dân địa phương.

Việc cấp mã số vùng trồng là bước đầu tiên trong tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu tập trung. Khi được cấp mã số, các thành viên trong vùng có trách nhiệm tuân thủ việc thực hiện quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn chất lượng, giám sát việc sử dụng mã số vùng trồng để minh bạch thông tin. Về lâu dài, mã số vùng trồng là một trong những yêu cầu trong việc chuẩn hóa chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc đầy đủ trước khi tới tay người tiêu dùng.

Tương tự huyện Phù Cát, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất đồng bộ, giám sát quy trình và tiến hành cấp mã số vùng trồng để quản lý. Theo ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật, hiện nay việc cấp và quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh bám sát vào nhu cầu thực tế của địa phương. So với trước, quá trình cấp và quản lý được rút ngắn hơn vì có sự hỗ trợ lớn của công nghệ. Chi cục hướng dẫn chi tiết để cán bộ địa phương hỗ trợ người dân, DN, HTXNN hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và sử dụng đúng quy định. Cùng với đó, việc giám sát được duy trì thường xuyên, các dữ liệu về mã số vùng trồng cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu chung của ngành nông nghiệp, nhờ đó tăng tính minh bạch, giúp cho người dân và DN tham gia vào sản xuất và tiêu thụ nông sản chuyên nghiệp hơn.


Tác giả: THU DỊU
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật