|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý về cơ sở

Năm 2012, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động là một trong những “mũi nhọn” mà Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) hướng đến để góp phần nâng cao nhận thức nói chung và nhận thức về pháp luật nói riêng cho nhân dân, nhất là nhân dân ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và một số địa bàn phức tạp, nhân dân có nhiều vướng mắc pháp luật.

Để có kế hoạch chuyên sâu và kịp thời tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở, hàng tháng Giám đốc Trung tâm cử cán bộ, chuyên viên pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý trực tiếp khảo sát tình hình thực tế ở các địa phương để tìm hiểu nhu cầu tìm hiểu pháp luật và những vướng mắc của người dân. Từ đó, Trung tâm có kế hoạch thực hiện đồng bộ các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người dân nói chung và đối tượng được trợ giúp pháp lý nói riêng.

Trong năm 2012, Trung tâm và các Chi nhánh đã tổ chức 100 đợt trợ giúp pháp lý lưu động, tại 70 xã, phường cho 129 thôn, làng, khu dân cư, tăng 28 đợt (đạt 139% so với cùng kỳ năm 2011), đạt 192% kế hoạch cả năm 2012. Ông Huỳnh Văn chưa – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Khi của cải ít, quan hệ chính của người dân là dựa vào luật tục. Nay, đời sống vật chất được nâng lên, hầu hết người dân đều có tài sản nên dễ nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp. Nhân dân ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận với pháp luật nên khi mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra thường kéo dài, khó giải quyết dứt điểm. Đây là nguyên nhân để chúng tôi trực tiếp hướng dẫn, tư vấn nhằm tháo gỡ những vướng mắc cho họ; qua đó tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp họ hiểu và biết cách xử sự đúng theo pháp luật”. 
Tại các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, các Trợ giúp viên pháp lý và Cộng tác viên đã thực hiện tư vấn pháp luật 1.095 vụ việc liên quan đến một số lĩnh vực pháp luật như: trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, tranh chấp dân sự, tranh chấp quyền sử dụng đất, chính sách bồi thường, giải tỏa, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội…Đồng thời, thông qua trợ giúp pháp lý lưu động, Trung tâm đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, hội, đoàn thể các cấp tổ chức 139 buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật cho hơn 11.541 lượt người, tăng 2.712 lượt người (đạt 131 % so với năm 2011). Với cách làm này, các Trợ giúp viên pháp lý, Báo cáo viên pháp luật đã tuyên truyền, phổ biến những văn bản pháp luật như: Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Đất đai, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hình sự…tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu, học tập pháp luật để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật. Cũng qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, trong năm 2012, Trung tâm đã cấp phát gần 15.000 tờ gấp pháp luật về trợ giúp pháp lý và các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân. Cũng theo ông Huỳnh Văn Chưa: Thực tế, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân ngày càng tăng cao nhưng việc tiếp cận pháp luật, khả năng nhận thức và hiểu biết pháp luật của phần lớn nhân dân còn hạn chế; tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình, tranh chấp đất đai, tảo hôn… vẫn còn diễn ra ở các địa phương. Vì vậy, thời gian đến, Trung tâm sẽ củng cố tổ chức ở các Phòng, các Chi nhánh và mở rộng thêm một số Chi nhánh trợ giúp pháp lý; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý cho đội ngũ Trợ giúp viên; tiếp tục tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở, trong đó tập trung nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển./.


Tin nổi bật Tin nổi bật