|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Sáng 9.6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị quán triệt Kết luận số 10-KL/TW, ngày 26.12.2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VĂN LƯU.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các Ban Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Thường trực huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo ban tuyên giáo và văn phòng huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

Đồng chí Nguyễn Giờ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phổ biến, quán triệt nội dung Kết luận số 10 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 10 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Theo Kế hoạch số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 10 của Bộ Chính trị, với các nội dung trọng tâm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo học tập, quán triệt và tuyên truyền. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng, ban hành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng, khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy đảng, chính quyền của các cấp, các ngành, địa phương, nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10 của Bộ Chính trị và các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, nội dung Kế hoạch số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đúng tinh thần được nêu trong Kết luận số 10 của Bộ Chính trị. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng; gắn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động phát hiện những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị mình và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết khác của Đảng; pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chú trọng kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Tăng cường và nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí kết hợp với việc tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng quy định của pháp luật với nguyên tắc: không có vùng cấm, vùng trống, bất kỳ ai tham nhũng, gây lãng phí đều phải bị xử lý công bằng, nghiêm minh, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng hy vọng rằng, với ý chí, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong thời gian tới công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

NGUYỄN PHÚC (Theo baobinhdinh.com.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật