Thu hút sinh viên vào nghề nặng nhọc, cân bằng lực lượng lao động
Sự phát triển của công nghệ khiến các ngành nghề nặng nhọc, độc hại mất dần sức thu hút giới trẻ, dẫn đến mất cân đối lao động. Tuy nhiên, đây lại là nhóm ngành khát nhân lực lành nghề, điều này khiến các đơn vị đào tạo tích cực thu hút sinh viên để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn có 12/20 nghề đào tạo là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ có 13/18 nghề đào tạo là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
“Đầu ra” là yếu tố then chốt
Ông Nguyễn Quốc Vỹ, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Bồi dưỡng thường xuyên, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cho biết, trong công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh năm cuối bậc THCS, THPT, nhà trường đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu thực tế của DN đối với các ngành nghề này, đồng thời, tập trung làm nổi bật tính đặc thù của nghề nghiệp, giúp học sinh có cái nhìn khách quan và tích cực hơn khi lựa chọn ngành học. Hiện nay, học sinh, sinh viên theo học các ngành nghề đặc thù, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ đến 70% học phí. Đây không chỉ là chính sách đãi ngộ mà còn là “chất xúc tác” quan trọng, tuy nhiên, chúng tôi tin rằng “đầu ra” sau khi tốt nghiệp luôn là yếu tố quan trọng nhất để thu hút người học.
Theo bà Ngô Thị Hồng Tân, Tổ trưởng tổ truyền thông và tư vấn tuyển sinh, Phòng Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ), người học các nghề nặng nhọc, độc hại có thể dễ dàng tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, bởi các ngành này luôn thiếu hụt lao động được đào tạo chính quy, bài bản. Đồng thời, mức đãi ngộ, phúc lợi của các DN cho người lao động lành nghề luôn hấp dẫn để thu hút và giữ chân lao động.
Thời gian qua, các trường nghề tiếp tục ký kết hợp tác với các DN nhằm tăng cường cơ hội thực hành, tạo bước đệm giúp học viên dễ dàng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Thông qua việc kết nối và ký kết hợp tác với các DN, cơ hội việc làm cho người học được mở rộng, bao gồm cả việc làm trong nước và các thị trường ngoài nước như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tham gia chương trình kết nối với DN của Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, ông Nguyễn Hải Cường, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất của Công ty CP Xây lắp dầu khí miền Nam (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết nhu cầu lao động lành nghề trong các lĩnh vực như cơ khí, chế tạo tại DN của chúng tôi rất lớn. Hiện công ty đang sử dụng 1.500 lao động và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, hướng đến mục tiêu đạt khoảng 2.500 lao động trong thời gian tới. Chúng tôi sẵn lòng chào đón các tay nghề trẻ và sẽ tiếp tục đào tạo chuyên sâu, tạo điều kiện để các bạn làm việc trong môi trường tốt nhất.
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn trải nghiệm máy hàn ảo - công nghệ hiện đại, tiên tiến của bộ môn Hàn. Ảnh: N.M
Thay đổi nhận thức
Trong nỗ lực chung nhằm tăng cường cơ hội việc làm cho người học nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau tốt nghiệp, các trường nghề nỗ lực xây dựng cơ chế đào tạo một cách bài bản. “Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng giảng viên, giúp họ tiếp cận các xu hướng công nghệ mới và nâng cao phương pháp giảng dạy. Các chương trình đào tạo được xây dựng linh hoạt, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, với trọng tâm là rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp thực tế, đặc biệt là kỹ năng làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại”, bà Ngô Thị Hồng Tân chia sẻ thêm.
Để thu hút hiệu quả người học hơn nữa và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các ngành nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được đầu tư các trang thiết bị, công nghệ mới. “Nghề Hàn tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn thời gian qua đã được đầu tư những trang thiết bị mang tính tự động hóa cao, bắt nhịp với sự thay đổi về công nghệ thực tế ảo, tiệm cận với sự phát triển của thị trường lao động như: Máy cắt tấm laser CNC, máy cắt ống laser CNC, máy hàn laser, máy hàn plasma, robot hàn, máy hàn ảo, máy siêu âm mối hàn, máy kiểm tra va đập…” ông Nguyễn Thanh Sang, Trưởng bộ môn Hàn Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn thông tin.
Những thiết bị hiện đại đã giúp người học tiếp cận sát hơn với thực tế sản xuất, tạo hứng thú trong quá trình học tập và thay đổi góc nhìn về các nghề nặng nhọc, độc hại. Bạn Nguyễn Ngọc Hùng, sinh viên năm 2 lớp CĐK17 Hàn Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, cho biết: “Trước đó, tôi hình dung rằng học nghề hàn là cầm que hàn làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, vất vả; nhiều người còn bảo nếu là nghề hàn thì không cần phải đi học ở trường, chỉ cần học theo hình thức cầm tay chỉ việc thì đủ làm nghề. Nhưng có học rồi mới thấy nhiều điều mới, hấp dẫn, đặc biệt là khi tiếp cận với các công nghệ mới như máy cắt laser, máy hàn ảo”.