Tuyên truyền một số văn bản pháp luật quy định về biển, biên giới trên biển và các vấn đề có liên quan đến biển, đảo cho ngư dân các xã ven biển trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Kế hoạch số 399/KH-SNgV ngày 03/4/2024 của Sở Ngoại vụ về việc tổ chức tuyên truyền một số văn bản pháp luật quy định về biển, biên giới trên biển và các vấn đề có liên quan đến biển, đảo cho ngư dân các xã ven biển trên địa bàn tỉnh; trong các ngày từ ngày 22/4 đến 24/4/2024, Sở Ngoại vụ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy sản), UBND huyện Phù Cát và UBND thị xã Hoài Nhơn tổ chức hội nghị phổ biến, tuyên truyền các nội dung đến biển và hoạt động khai thác trên biển cho hơn 600 ngư dân và người nhà ngư dân tham dự.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Thái Bình phát biểu khai mạc tại buổi tuyên truyền
Đợt tuyên truyền lần này được tổ chức thành 03 cụm thuộc huyện Phù Cát và thị xã Hoài Nhơn. Theo đó, tại huyện Phù Cát có 02 cụm gồm: tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến, thực hiện tuyên truyền cho bà con ngư dân thị trấn Cát Tiến và xã Cát Hải; tại trụ sở UBND xã Cát Khánh, thực hiện tuyên truyền cho bà con ngư dân của các xã Cát Thành, Cát Khánh, Cát Minh và tại trụ sở UBND phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, thực hiện tuyên truyền cho bà con ngư dân của các phường Tam Quan, Tam Quan Nam và Hoài Thanh.
Tại các buổi tuyên truyền, các báo cáo viên của Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Chi cục Thủy sản đã đi sâu giới thiệu các nội dung tài liệu, hình ảnh có liên quan như: Những quy định về biển đảo Việt Nam; phạm vi hoạt động đánh bắt thủy sản hợp pháp trên biển đối với ngư dân và Pháp luật của một số nước lân cận có đường biên giới trên biển Việt Nam liên quan đến vấn đề xử lý vi phạm đối với ngư dân/tàu cá nước ngoài; Luật Thủy sản 2017; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 37/2022/NĐ-CP ngày 06/6/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đặc biệt là Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2024; các quy định pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động khai thác thủy sản, chống khai thác IUU; công tác bảo hộ ngư dân khi bị nước ngoài bắt giữ và một số thông tin chủ yếu về Quỹ Bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài…
Ngoài ra, các báo cáo viên cũng đã dành thời gian giải đáp những ý kiến, kiến nghị liên quan đến những khó khăn vướng mắc của ngư dân trong quá trình đánh bắt thủy sản trên biển, như: Cần sớm hiện đại hóa công tác quản lý các tàu cá; vấn đề hỗ trợ ngư dân khi gặp sự cố mất kết nối liên lạc trên biển; theo dõi hoàn thiện và đảm bảo hệ thống mạng để ngư dân trao đổi thông tin khi khai thác xa bờ; các quy định về vùng khai thác của các loại tàu khi thực hiện đánh bắt nguồn lợi thủy sản trên biển… Đối với những ý kiến của bà con ngư dân đề nghị các cấp chính quyền thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật cho các chủ tàu, thuyền trưởng, nhất là ngư dân Bình Định có tàu cá thường xuyên khai thác ở ngư trường phía Nam lâu ngày không về địa phương nhằm góp phần hạn chế, không để xảy ra sai phạm trong quá trình hoạt động đánh bắt trên biển làm ảnh hưởng đến những bà con ngư dân hoạt động chân chính; những quy định cụ thể về số ngày, số lần trong tháng của từng loại tàu thuyền của ngư dân được ra khơi đánh bắt cá và kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân… sớm được ban hành và phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động khai thác thủy sản bền vững và đời sống cho nhân dân vùng biển, lãnh đạo Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan ghi nhận, sẽ tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Dự kiến, trong tháng 5 năm 2024, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục kiểm tra các nội dung quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp tại Việt Nam. Đây là đợt kiểm tra thứ 5 và được xem là cơ hội để cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC nếu các địa phương quyết tâm ngăn chặn và chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm IUU.
Với những nỗ lực quyết tâm ngăn chặn vi phạm trong khai thác, đánh bắt thủy sản ở vùng biển xa của các cơ quan chức năng và sự đồng lòng của ngư dân các địa phương ngay lúc này chính là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững./.