Vườn cây Nobel
Trong khuôn viên Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE, ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) có khu đất được xem là "độc nhất vô nhị" tại Việt Nam, nơi dành cho các nhà khoa học nổi tiếng thế giới trồng cây lưu niệm, thường gọi là Vườn cây Nobel.
Để mầm Nobel bén rễ
Trong 10 năm đi vào hoạt động (từ 12.8.2013), ICISE đã tiếp đón 19 giáo sư (GS) đoạt giải Nobel, 2 GS đoạt Huy chương Fields (toán học), 2 GS đoạt giải Kavli (giải thưởng cao cấp trong lĩnh vực thiên văn), 1 GS đoạt giải Shaw cùng hàng ngàn nhà khoa học và đại diện các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học nổi tiếng trên thế giới đến dự hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế. Vườn cây Nobel cũng đã ghi dấu tên tuổi của các GS đoạt giải Nobel, các khoa học gia nổi tiếng và nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước Việt Nam…
ICISE được xây dựng như một trung tâm bảo tồn thiên nhiên nhỏ trong lòng phố biển Quy Nhơn
Theo TS Trần Thanh Sơn, Phó giám đốc điều hành ICISE, đã có khoảng 30 cây hoa sứ, tùng la hán, thần tài núi được các nhà khoa học và các vị lãnh đạo trồng lưu niệm tại khu vườn này. Hầu hết đều phát triển xanh, tốt. Cố GS Jack Steinberger (1921 - 2020, đạt giải Nobel Vật lý năm 1988) là nhà khoa học danh tiếng đầu tiên trồng cây lưu niệm tại Vườn cây Nobel khi ông dự lễ khánh thành ICISE vào năm 2013. Đến nay, cây hoa sứ do vị cố GS người Mỹ gốc Do Thái này trồng đã nở hoa rất thơm.
Theo TS Trần Thanh Sơn, GS Jack Steinberger là người bạn thân thiết lâu năm của vợ chồng GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam) - GS Lê Kim Ngọc (Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp). Ngoài ra, nhiều nhà khoa học đến dự các chương trình Gặp gỡ Việt Nam cũng là bạn của vợ chồng GS Vân. Trong đó, có một số GS đoạt giải Nobel đã quay lại ICISE để giúp đỡ hoạt động khoa học tại Việt Nam. GS Finn Erling Kydland (người Na Uy, giải Nobel Kinh tế năm 2004), GS Gerard 't Hooft (người Hà Lan, giải Nobel Vật lý năm 1999) đều 2 lần đến dự hội nghị tại ICISE vào các năm 2017 và 2018. Khi đến Việt Nam, họ đều trồng cây lưu niệm tại Vườn cây Nobel và có các buổi nói chuyện với giới trẻ về khoa học.
GS Jerome Friedman (người Mỹ, Nobel Vật lý 1990) đã 2 lần đến ICISE. Trong lần đầu vào tháng 7.2015, ông đã gợi ý thành lập Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản quốc tế Việt Nam để phát huy được nguồn lực chất xám các nhà khoa học tới ICISE dự các sự kiện khoa học hằng năm. Vì việc thiết lập một viện tầm cỡ quốc gia như vậy cần có thời gian và sự đồng thuận từ nhiều cơ quan hữu quan nên trong lúc chờ đợi, GS Trần Thanh Vân quyết định thành lập Viện Nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (IFIRSE - trực thuộc ICISE) với mục tiêu làm cầu nối Việt Nam với các nước trên thế giới trong lĩnh vực khoa học và thu hút nhà khoa học trẻ của Việt Nam lẫn quốc tế về làm việc.
GS Gerard ‘t Hooft trồng cây tùng la hán tại Vườn cây Nobel
Hiện IFIRSE có 3 nhóm nghiên cứu: Nhóm Vật lý Neutrino (được sự ủng hộ của GS Kajita Takaaki, người Nhật, giải Nobel Vật lý 2015), Nhóm Vật lý thiên văn (do Quỹ Simons của Mỹ tài trợ), và Nhóm môi trường và phát triển bền vững. IFIRSE là viện nghiên cứu cơ bản hoạt động bằng kinh phí tư nhân duy nhất ở Việt Nam trả lương, hỗ trợ chi phí đi lại và bố trí chỗ ở cho nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, sinh viên thực tập ngắn hạn để họ yên tâm tập trung nghiên cứu.
Theo TS Trần Thanh Sơn, khi đưa ra ý tưởng Vườn cây Nobel, GS Trần Thanh Vân không chỉ mong muốn các nhà khoa học đoạt giải Nobel hay các chuyên gia hàng đầu thế giới trồng một cây xanh để lưu niệm mà còn muốn họ "mọc rễ" ở ICISE và sẽ tiếp tục quay lại góp sức cho trung tâm cũng như nền khoa học Việt Nam. Hơn nữa, những cây xanh này cũng giống như biểu tượng về tinh thần khoa học mà các gương mặt danh tiếng để lại, giúp khơi dậy cảm hứng, tình yêu khoa học cho các bạn trẻ mỗi khi đến đây.
GS Duncan Haldane (giải Nobel Vật lý năm 2016) và GS Đàm Thanh Sơn (giải Dirac 2018) với các học sinh xuất sắc của Việt Nam tại Vườn cây Nobel
Bảo tàng sống, xanh
Trung tâm ICISE được quy hoạch với diện tích hơn 21 ha nằm cạnh bờ biển Quy Hòa, tỷ lệ xây dựng chỉ chiếm hơn 7%, quỹ đất còn lại được sử dụng chủ yếu tạo cảnh quan và thiết lập một "khu bảo tồn thiên nhiên" nhỏ trong lòng thành phố biển Quy Nhơn. Kiến trúc sư Jean-Francois Milou (Pháp) và cộng sự thiết kế tòa nhà hội nghị và vài công trình nhỏ nằm ẩn mình giữa một rừng dừa, bên phải là vách núi, ở giữa là dòng sông chảy quanh luôn tạo cảm giác tươi xanh, mát mẻ.
Màu sắc, kiến trúc, các loại cây… tại ICISE đều mang theo một thông điệp. Các cây được chọn trồng trong Vườn cây Nobel như: hoa sứ, tùng la hán, thần tài núi là những loại cây đơn giản, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương, thân nhỏ nhưng cứng cáp và có sức sống bền bỉ, mạnh mẽ. Các loại khác được trồng trong khuôn viên ICISE đều là cây bản địa như: dừa, thông, cây tra, hoa giấy có khả năng chống chịu tốt hoặc những cây ngập mặn như đước, mắm… Các công trình tại ICISE được thiết kế theo đường thẳng, mang màu sắc chìm hoặc màu xám của bê tông để tòa nhà ẩn trong thiên nhiên.
"Thông điệp của toàn công trình muốn gửi gắm là khoa học không phải sự hào nhoáng bên ngoài mà nó là sự thật, là chân lý. Nhà khoa học phải chân thành, thẳng thắn, giản dị", TS Trần Thanh Sơn giải thích.
Nhiều lần trò chuyện với bạn bè khoa học quốc tế và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, GS Trần Thanh Vân cũng khẳng định ICISE được xây dựng dành cho các nhà khoa học đến trao đổi học thuật, chia sẻ những khám phá mới, đi bộ, thư giãn, suy ngẫm để có thể bật ra ý tưởng nghiên cứu mới. Sâu xa hơn, ước nguyện của vợ chồng ông khi dùng số tiền tích lũy cả đời để đầu tư gầy dựng trung tâm là muốn có nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết thông qua các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao.
Để thu hút các nhà khoa học hàng đầu đến đây, cùng với chất lượng của các hội nghị, hội thảo khoa học, việc xây dựng không gian xanh, tạo sự hài hòa với thiên nhiên tại ICISE luôn được chú trọng. Vợ chồng GS Trần Thanh Vân, lãnh đạo ICISE và lãnh đạo tỉnh Bình Định đang hướng đến việc xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên nhỏ trong khuôn viên trung tâm. Hiện tại, với sự ủng hộ của Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ TN-MT), Vườn Quốc gia Cúc Phương, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đang cùng ICISE xây dựng dự án Cơ sở bảo tồn rùa Trung bộ tại ICISE. Đây là một loài rùa đặc hữu của Việt Nam đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên.