|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An Nhơn: Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch

Với 20 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, lịch sử cách mạng được xếp hạng (7 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh), TX An Nhơn là địa phương có tài nguyên văn hóa rất lớn. Nhiều năm qua, An Nhơn và ngành văn hóa đã nỗ lực đầu tư tôn tạo, tu bổ bảo tồn; đồng thời, phát huy giá trị các di tích phục vụ du lịch.

Ông Tô Hồng Phương, Trưởng Phòng VH-TT TX An Nhơn, cho biết: Thị xã đã có kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích Cột cờ thành Bình Định (phường Bình Định) và xây dựng, phục hồi di tích Nhà thầy Trương Văn Hiến (xã Nhơn Phúc) trong giai đoạn 2021 – 2025, với tổng kinh phí dự kiến hơn 40 tỷ đồng. Đồng thời, đề nghị xếp hạng thêm 2 di tích lịch sử cấp tỉnh: Mộ tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo và Đền thờ Châu – Trần nhị thị (bà Châu Thị Ngọc Diên và Trần Thị Ngọc Lân, là những người có công rất lớn trong việc tổ chức làm một số công trình thủy lợi ở địa phương) ở phường Nhơn Hưng, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, tạo điểm nhấn phát triển du lịch ở địa phương.

Sở VH&TT đang phối hợp TX An Nhơn quy hoạch, từng bước tôn tạo di tích thành Hoàng Đế gắn với phát triển du lịch. Ảnh: NGỌC NHUẬN

TX An Nhơn cũng chú trọng bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Hiện, thị xã có 48 võ đường hoạt động; 3 đoàn nghệ thuật hát bội không chuyên An Nhơn 1, An Nhơn 2, Nhơn Hưng hoạt động lưu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Ngoài CLB bài chòi dân gian của thị xã, phường Nhơn Hòa và xã Nhơn Mỹ cũng thành lập CLB bài chòi dân gian để hoạt động, nhằm lan tỏa sức sống loại hình nghệ thuật này.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Phương Nga, thành viên CLB bài chòi dân gian TX An Nhơn và CLB bài chòi phường Nhơn Hòa, chia sẻ: “Ngoài sự nỗ lực của đội ngũ nghệ nhân thực hành, truyền dạy, thị xã và địa phương cũng quan tâm động viên tinh thần, hỗ trợ chi phí làm chòi, tạo điều kiện để chúng tôi biểu diễn thuận lợi tại các lễ, tết, sự kiện ở địa phương, góp phần cho nghệ thuật bài chòi dân gian sống được trong lòng công chúng mộ điệu”.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa  của An Nhơn được người dân đồng tình ủng hộ. Cụ Phạm Ngọc Long (78 tuổi, ở thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc) chia sẻ: “Bà con ở đây rất vinh dự khi nghe tin Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng di tích Nhà thầy Trương Văn Hiến – thầy của ba anh em Tây Sơn Tam Kiệt, để tôn vinh tiền nhân. Bà con cũng biết khu đất nhà thầy Trương Văn Hiến nên chung tay bảo vệ, không xâm phạm. Tại địa điểm này, người dân xây một ngôi miếu thờ thành hoàng, hằng năm tổ chức cúng thanh minh, nét đẹp văn hóa này được duy trì từ xưa đến nay”.

Tương tự, với ý thức giữ gìn di sản văn hóa của quê hương, nhiều lễ hội truyền thống, như: Vía Bà ở Nhơn Phong, cúng tổ làng rèn Tây Phương Danh, làng rượu Bàu Đá, làng bún tươi Ngãi Chánh… được người dân gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa riêng có.

Theo ông Tô Hồng Phương, thị xã cũng định hướng nâng tầm quy mô tổ chức Lễ hội Vía Bà ở Nhơn Phong. Cuối tháng này, thị xã sẽ tổ chức tọa đàm về bảo tồn, khôi phục lại Lễ hội Đổ Giàn ở An Thái (xã Nhơn Phúc) với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm định hướng tạo thêm sản phẩm du lịch văn hóa.

Sở VH&TT cũng đang phối hợp các sở, ngành liên quan và TX An Nhơn triển khai công tác quy hoạch, tôn tạo di tích thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu) gắn với phát triển du lịch. Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh cho biết: Chúng tôi đã khoanh vùng cắm mốc bảo vệ di tích thành Hoàng Đế; triển khai phương án bảo vệ, tôn tạo cảnh quan khu vực có bảo vật quốc gia hai tượng voi đá thành Hoàng Đế. Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ VH&TT trình Thủ tướng Chính phủ cho tôn tạo thành Hoàng Đế, xây dựng Đền thờ Thái Đức Nguyễn Nhạc, phục dựng Đàn Nam Giao…


Tác giả: ÐOÀN NGỌC NHUẬN
Nguồn:binhdinh.vietnam.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật