An Nhơn với quá trình phát triển đô thị
Từ thượng nguồn chảy xuống đến địa phận An Nhơn, qua khỏi An Thái thì sông Côn lần lượt đẻ nhánh, phân chi chằn chịt uốn mình quanh thôn xóm, vun bồi phù sa màu mỡ cho đồng ruộng, vườn tược để xứ sở này mang nhiều tên: đất vua, đất lúa, đất nghề, đất võ, đất chữ…ngày càng phát triển trong không gian văn hóa vùng kinh thành xưa và thị xã nay.
Có thể nói rằng, lịch sử xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương An Nhơn chính là quá trình đô thị hóa một vùng đất tích chứa bề dày văn hóa và tiềm năng kinh tế đa dạng, phong phú, hưng thịnh.
Hơn 10 năm về trước (2012-2022), đúng 180 năm vua Minh Mạng đặt tên phủ An Nhơn, huyện nông thôn An Nhơn được Chính phủ nâng lên thành thị xã, gồm 5 phường nội thị và 10 xã nông thôn, diện tích tự nhiên 24.264 ha, dân số gần 180.000 người. Trong đó, khu vực nội thị chiếm 6.014 ha và 68.900 người, kéo dài từ ngã tư Gò Găng, cửa ngõ sân bay Phù Cát vào đến ngã tư Cầu Gành lên khu công nghiệp Nhơn Hòa, tập trung ngành nghề công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, mật độ dân số khá dày, nhất là hai phường Đập Đá và Bình Định.
Tuy là một đô thị còn non trẻ, nhưng là vùng đất có bề dày văn hóa và chiều sâu lịch sử trên ngàn năm, từng là kinh đô của vương quốc Chămpa, vương triều Tây Sơn - Nguyễn Nhạc, phủ lỵ Hoài Nhơn, Quy Ninh, Quy Nhơn, rồi tỉnh lỵ Bình Định. Xứ thành kinh sớm mọc lên làng nghề, phố thị ở hai bên các nhánh sông và dọc theo con đường thiên lý Bắc - Nam như An Thái, Gò Chàm, Đập Đá, Gò Găng, Cảnh Hàng, Phú Đa...Từ rất lâu đã hình thành những vệ tinh cho phát triển đô thị ngày nay.
Không những nằm trên hệ thống các nhánh sông Côn chảy qua thuận lợi cho phát tiển nông nghiệp và giao thông đường thủy trước đây, rồi mạng lưới giao thông kết nối ngày nay, mà An Nhơn còn nằm trên hành trình di sản miền Trung, với nhiều di tích văn hóa - lịch sử (có 7 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh), trên hành lang kinh tế Đông - Tây, Nam - Bắc, là đô thị vệ tinh của thành phố Quy Nhơn và cực phát triển phía nam tỉnh. Đặc điểm đó đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ và tăng cường hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ. Đầu năm 2021, thị xã An Nhơn được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III, trong khi thị xã chuẩn bị kỷ niệm 190 danh xưng An Nhơn (1832- 2022), tạo động lực mới để tiến lên thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025.
Từ khi An Nhơn lên thị xã, tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh rõ rệt, tiến hành rà soát, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết vùng, liên kết các vùng chức năng. Tất cả hướng vào mục tiêu chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới ngày càng hoàn chỉnh và tiếp tục nâng cao, là nhiệm vụ tổng hợp, bao trùm, gắn kết nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển cả nông thôn và thành thị.
Để tập trung lãnh đạo xây dựng thị xã sớm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIV (2020- 2025), ngày 15/7/2022 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề số 08-NQ/TU đề ra mục tiêu phấn đấu thị xã An Nhơn sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2024, sớm hơn một năm so với nghị quyết đại hội đề ra.
Trên cơ sở Nghị quyết 08-NQ/TU của Thị ủy, ngày 27/7/2022, Ủy ban nhân dân thị xã đã ban hành Kế hoạch số 113/KH- UBND về các bước triển khai nghị quyết với tinh thần khẩn trương. Đẩy nhanh việc điều chỉnh quy hoạch chung đô thị An Nhơn đến năm 2035 và chương trình phát triển đô thị, gắn với rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội có tính chất dài hơi của một đô thị văn minh, hiện đại. Tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí đô thị loại III, gấp rút xây dựng hạ tầng 6 xã: Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Phúc, Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Phong hoàn thành các tiêu chuẩn phường thuộc đô thị loại III. Bằng nguồn nội lực và kêu gọi đầu tư các dự án phát triển công nghiệp và thương mại- dịch vụ, phát triển các khu đô thị mới một cách đồng bộ và các tuyến giao thông chính có tính chất động lực...thúc đẩy đô thị phát triển nhanh, bền vững.
Hàng loạt công trình trọng điểm đã, đang và sắp hoàn thành. Ngoài tuyến giao thông quốc lộ I và đường sắt đi qua địa bàn dài hơn 12 km, đoạn đường cao tốc phía Đông đi qua Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Hòa đang khởi động giai đoạn đầu. Quốc lộ 19 nối liền cảng biển Quy Nhơn với Tây Nguyên và các nước Đông Nam Á đang được nâng cấp, mở rộng, trong đó gần 10 km đi qua địa phận An Nhơn, tạo động lực cho thị xã khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội ở phía tây nam.
Phát huy lợi thế các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua để quy hoạch mở rộng không gian đô thị, định hướng mô hình phát triển theo hướng trung tâm, đa cực. Xác định đô thị trung tâm thị xã là phường Bình Định và vùng ven gồm Nhơn Hưng, Nhơn Hòa... Cực phát triển phía bắc được xác định phường Đập Đá làm hạt nhân, động lực phát triển cho cả vùng gồm Nhơn Thành, Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Mỹ…Cực phát triển phía nam là phường Nhơn Hòa liên kết với xã Nhơn Thọ, Nhơn Tân…Cực phát triển phía tây là Nhơn Phúc hỗ trợ các xã Nhơn Khánh, Nhơn Lộc…Đây là định hình mở ra hướng phát triển mới cho các đô thị vệ tinh, nhất là các xã sắp lên phường mới.
Ưu tiên đầu tư từ nguồn nội lực và tranh thủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương và tỉnh để đẩy mạnh phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm dịch vụ tổng hợp, nhất là dọc bờ sông Trường Thi, quốc lộ I và các tuyến đường tránh để tạo lan tỏa và phát triển nhanh. Cùng với đó là mở rộng khu- cụm công nghiệp, làng nghề gắn với phát triển thương mại- dịch vụ. Phát huy lợi thế khu công nghiệp Nhơn Hòa, tiếp tục tăng cường thu hút các ngành nghề sản xuất công nghiệp công nghệ cao, ít gây ô nhiễm, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, tăng khả năng cạnh tranh.
Không chỉ hàng trăm cây số đường nội thị, mà hơn 500 km đường giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn, đặc biệt là các tuyến có cầu vượt sông đều được nâng cấp, mở rộng và thảm nhựa, tạo kết nối ngang dọc giữa các vùng miền trong và ngoài thị xã. Toàn bộ các tuyến đường ở hai phường Bình Định, Đập Đá và các tuyến đường chính ở trung tâm các phường Nhơn Thành, Nhơn Hưng, Nhơn Hòa đều đã đặt tên đường và đang chuẩn bị phương án đặt tên đường cho các xã sắp lên phường.
Các thiết chế văn hóa như quảng trường, nhà văn hóa, nhà thi đấu đa năng, sân vận động, cơ sở luyện tập thể dục…được đầu tư xây dựng dần hoàn thiện, tạo cảnh quan và mội trường xanh - sạch - đẹp. Hệ thống trường lớp các cấp học từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng không ngừng xây dưng nâng cấp khá hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu dạy và học. Trung tâm y tế với quy mô như bệnh viện loại 2 và các trạm y tế xã - phường đều được nâng cấp đạt chuẩn theo quy định.
Với thành tựu về kinh tế - xã hội thời gian qua và những giải pháp quyết liệt tiếp theo, cán bộ và nhân dân thị xã An Nhơn có quyền kỳ vọng trở thành thành phố trực thuộc tỉnh sắp về đích, đô thị hạt nhân phía nam tỉnh trong tương lai rất gần.