Cát Khánh: Phòng chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ
Hiện nay, đã bước vào mùa khô trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, cấp ủy, chính quyền xã Cát Khánh, đã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể chủ động các phương án phòng, chống, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát, hiện nay, trên địa bàn xã Cát Khánh có 1201 ha đất có rừng, trong đó rừng sản xuất hơn 902 ha, rừng phòng hộ trên 32 ha, rừng đặc dụng trên 267 ha; diện tích rừng có nguy cơ cháy cao khoảng hơn 1000 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Phú Dõng, Phú Long, Ngãi An và Chánh Lợi.
Diện tích rừng sản xuất và rừng phòng hộ ven biển nhiều năm liền được xác định có nguy cơ cháy cao, đặc biệt là rừng dương ven biển. Bởi rừng dương nằm ngay đường đi sát khu dân cư, trong khi thời tiết khô hanh, chỉ cần người đi đường bất cẩn, một tàn thuốc lá cũng có thể gây cháy. Trong khi đó, xã Cát Khánh cũng được xác định có hàng chục héc-ta rừng, rẫy thuộc diện nguy cơ cháy cao, chủ yếu là rừng keo và rẫy sát rừng, rừng trồng theo dự án WB3 trước đây. Dưới các tán rừng, thảm thực bì khô rất dễ bén lửa, khi xảy ra cháy sẽ lan rộng, gây khó khăn cho công tác chữa cháy.
Gia đình ông Thái Văn Nhàn, thôn Ngãi An, xã Cát Khánh có trên 8 ha rừng trồng, được cán bộ kiểm lâm và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền và nhắc nhở, hướng dẫn các biện pháp cần thiết trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nên trong những năm qua diện tích rừng nhà ông Nhàn luôn phát triển tốt đảm bảo dễ dàng xử lý các tình huống nếu không may xảy ra hỏa hoạn.
Ông Đinh Phước Trung, trưởng thôn Ngãi An chia sẻ, thời gian này nắng nóng kéo dài chúng tôi tuyên truyền trong cuộc họp từ chi bộ rồi đến các tổ chức chính trị các đoàn thể thôn tuyên truyền đến các hội viên thực hiện việc phòng cháy chữa cháy và nghiêm cấm việc đưa lửa vào rừng.
Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất số vụ cháy rừng và những thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngay từ đầu mùa khô, UBND xã Cát Khánh đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp bảo vệ rừng và sẵn sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra. Theo đó xã Cát Khánh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các thôn cùng các chủ rừng chủ động xây dựng kế hoạch, phương án PCCCR. Đồng thời kiện toàn ban chỉ đạo PCCCR từ xã đến thôn và thành lập các tổ bảo vệ rừng, PCCCR để tổ chức thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Ban chỉ đạo xã phân công cho các thành viên bám địa bàn, đôn đốc các chủ rừng thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Song song với đó, kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng luật các trường hợp vi phạm trong công tác PCCCR. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCCR. Đồng thời, cần huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy trình trong công tác PCCCR. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ, để chủ động kịp thời khống chế và sẵn sàng chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Địa phương phối hợp với Hạt Kiểm lâm Phù Cát có nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR cho cán bộ, nhân dân và kịp thời nắm thông tin, huy động lực lượng cứu chữa nhanh. Phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong các tháng mùa hanh khô; cán bộ kiểm lâm địa bàn tăng cường kiểm tra, bám sát các vùng trọng điểm có khả năng xảy ra cháy rừng; phối hợp với các ban ngành của xã để tuyên truyền và nắm bắt kịp thời khi có cháy rừng xảy ra và tổ chức các lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ ngay khi phát hiện cháy rừng; kiểm tra đánh giá việc thực hiện cam kết bảo vệ rừng ở thôn, xóm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai thác rừng trồng và rừng tự nhiên, nhắc nhở các chủ rừng tổ chức lực lượng thường trực bảo vệ rừng, tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy. Trong thời kỳ cao điểm khô hạn, tổ chức cảnh báo nguy cơ cháy rừng thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, phân vùng cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương rẫy và những hành vi dùng lửa khác ở những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao. tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi đến từng hộ để nâng cao ý thức bảo vệ rừng; vận động người dân ký cam kết không đốt nương rẫy, nếu đốt dọn thực bì rừng trồng phải báo cáo để có phương án đề phòng chặc chẽ. đúng quy định...
Bên cạnh đó xã Cát Khánh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ rừng và PCCCR trong cộng đồng dân cư, nhằm nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi gia đình trong việc tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Chỉ đạo Ban văn hóa thông tin và Đài truyền thanh xã tăng cường tuyên truyền về các văn bản liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR; phát tài liệu cho cơ sở, học tập các văn bản của Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR.
Tuy nhiên, thực tế tại địa phương vẫn còn tình trạng một số người dân đốt nương rẫy không đúng quy định, bất cẩn khi sử dụng lửa trong rừng. Thời kỳ cao điểm của mùa khô tại Cát Khánh còn kéo dài, vì vậy, công tác PCCCR cần được các ngành chức năng và chủ rừng tiếp tục chú trọng. Để chủ động PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát cũng đã cập nhật liên tục cấp dự báo cháy rừng. Trên cơ sở đó, phối hợp với các ngành chức năng, địa phương, chủ rừng để chủ động PCCCR. Khi dự báo cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm) trở lên, tổ chức ứng trực 24/24; phối hợp các cơ quan, đơn vị, UBND xã, chủ rừng tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, phát hiện lửa rừng; tăng cường kiểm tra việc dùng lửa ở trong rừng, ven rừng, việc sử dụng lửa để đốt nương rẫy của nhân dân; sẵn sàng huy động lực lượng, dụng cụ, phương tiện tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
Những năm qua, công tác PCCCR của xã Cát Khánh đã đạt được một số kết quả khả quan, nhiều năm liền địa phương không để xảy ra cháy rừng trên diện rộng. Tuy nhiên việc tuyên truyền vẫn chưa được thực hiện thường xuyên nên ý thức PCCCR của người dân chưa cao. Một số thôn vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng đốt rẫy, thực bì không đúng quy định nên dễ gây hại đến rừng, nhất là vào thời điểm khô nóng. Để công tác PCCCR đạt hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, PCCCR./.