A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TP QUY NHƠN LẦN THỨ XIII (NHIỆM KỲ 2015-2020): Hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại

Đây là mục tiêu đã và đang được Đảng bộ, chính quyền nhân dân TP Quy Nhơn thực hiện và bước đầu đã mang lại thành công.

Mảng xanh của công viên, không gian công cộng của Quy Nhơn cũng nhiều hơn.

- Trong ảnh: Một góc Quy Nhơn xanh. Ảnh: VĂN LƯU


Không gian đô thị được mở rộng

Thay đổi rõ rệt của “bộ mặt đô thị” Quy Nhơn theo hướng tích cực là minh chứng cho thành công này. Tốc độ đô thị hóa nhanh, không gian đô thị được mở rộng hơn, và mảng xanh của công viên, không gian công cộng cũng nhiều hơn trong 5 năm qua.

Bởi vậy, khi được hỏi “Điểm lại quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển KT-XH của Đảng bộ TP Quy Nhơn nhiệm kỳ XII 2010-2015, ông tâm đắc nhất điều gì nhất?”, Phó Bí thư Thành ủy Quy Nhơn, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam đã nói ngay: “Đó là không gian đô thị của Quy Nhơn đã mở rộng hơn trước, nếu như trước đây không gian đô thị Quy Nhơn chỉ gói gọn từ Cầu Đôi trở xuống, thì nay được mở rộng thêm nhiều về phía Đông Bắc nên không còn cảm giác không gian tù túng chật hẹp như trước. Mảng cây xanh, công viên công cộng cũng nhiều hơn. Đặc biệt, việc di dời thành công các hộ “làng chài” dọc tuyến đường đi bộ Xuân Diệu năm 2014 đã trả lại không gian vui chơi, du lịch công cộng trên biển Quy Nhơn. Bên cạnh đó, việc mở rộng các tuyến giao thông QL1D, QL19, QL1 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Quy Nhơn giao thương xuống cảng và các tỉnh bạn”.

Điểm danh một số công trình tiêu biểu của Quy Nhơn, kỹ sư Lê Anh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý đô thị UBND TP Quy Nhơn, hào hứng: “Mới nhất là Quảng trường trung tâm, tuyến đường dạo bộ ven biển Xuân Diệu, Trung tâm Hành chính thành phố và một loạt các công viên cây xanh khác...”. Trong 5 năm qua, Quy Nhơn mở rộng thêm 13,5 ha công viên và các khu vực công cộng, nâng tổng diện tích cây xanh, thảm cỏ, công viên toàn thành phố lên 64 ha, bình quân đất cây xanh đô thị đạt 13m2/người.

Theo ông Ngô Hoàng Nam, tổng mức đầu tư xây dựng cho TP Quy Nhơn trong 5 năm qua trên 28.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 40% GDP của thành phố và tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2005-2010. Trong giai đoạn 2015-2020, Thành ủy, UBND TP Quy Nhơn sẽ tiếp tục tập trung cho công tác chỉnh trang đô thị, trước hết là quy hoạch, chống lấn chiếm và chỉnh trang trật tự đô thị.

Rồi ông tiếp lời: “Rất may là ngày 14.4.2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án này sẽ là cẩm nang cơ sở để Quy Nhơn phát triển lâu dài gắn với bền vững. Để làm được điều này, chỉ nội lực của Quy Nhơn thì không đủ mà còn phải có sự chỉ đạo của cấp trên, các sở, ban ngành, kể cả đầu tư DN trên địa bàn phải tuân thủ quy hoạch theo Đồ án...”.

Cải cách hành chính: Hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử

Người dân đến làm các thủ tục tại “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố Quy Nhơn”.  Ảnh: VĂN LƯU

Đây cũng là một mục tiêu được đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII 2015-2020.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP QUY NHƠN NGÔ HOÀNG NAM: 

“Quy Nhơn chịu 3 trách nhiệm chính”

+ Chính quyền sẽ có những bước đi nào thu hút các nhà đầu tư đến với TP Quy Nhơn nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung, thưa ông?

* Thực ra, việc thu hút các nhà đầu tư là trách nhiệm của UBND tỉnh, nhưng chính quyền thành phố Quy Nhơn phải chịu trách nhiệm chính về giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường và đảm bảo ANTT khi các dự án đầu tư được triển khai trên địa bàn.

Chủ tịch UBND thành phố Ngô Hoàng Nam.


Hiện, chính quyền thành phố nỗ lực phối hợp với các ban, ngành của tỉnh thực hiện các dự án động lực tạo cú huých mạnh mẽ cho sự phát triển KT-XH của tỉnh: Dự án Victory ở Khu kinh tế Nhơn Hội , Dự án “Quần thể sân golf , resort, khu biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Nhơn Lý” ở xã Nhơn Lý, Dự án Khu du lịch Vinpearl Hải Giang, Dự án Khu du lịch - văn hóa - thể thao và đô thị mới hồ Phú Hòa. Nếu các dự án sớm triển khai đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ của phát triển, thu hút nhân lực vào làm việc...

Ông Dương Hiệp Hòa, Chánh Văn phòng HĐND, UBND TP Quy Nhơn, phụ trách “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố” (gọi tắt là Bộ phận một cửa) cho biết, đến nay đã có 35 đầu công việc thuộc 7 lĩnh vực được  thành phố thực hiện “một cửa”, từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đến luân chuyển trên phần mềm “một cửa điện tử” rút ngắn thời gian giải quyết cho tổ chức, công dân. Từ năm 2010 đến năm 2014, Bộ phận một cửa giải quyết đúng hạn và trước hạn là 79.068 hồ sơ/ 81.197 hồ sơ tiếp nhận, đạt tỉ lệ 97%. Cũng từ năm 2014, Bộ phận một cửa triển khai phần mềm thông báo kết quả giải quyết hồ sơ đất đai qua hệ thống tin nhắn di động SMS miễn phí cho người dân, nâng cao chất lượng phục vụ và đã được người dân đánh giá cao.

Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam khẳng định, chính quyền thành phố luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính, nhất là một cửa liên thông; hàng năm đều rà soát, bổ sung các đầu việc vào cơ chế một cửa và đến nay được khoảng 50 đầu việc. Từ tháng 7.2015, UBND TP Quy Nhơn triển khai Đề án thí điểm liên thông một cửa 5 thủ tục hành chính tại xã Phước Mỹ; nếu thành công sẽ tiến tới triển khai đồng loạt tại 20 xã, phường.

Ông cũng chia sẻ thêm: “Thành ủy, UBND TP Quy Nhơn đã xin tỉnh chủ trương cho phép thành lập trung tâm công nghệ thông tin trực thuộc UBND TP nhằm nâng cao khả năng áp dụng quản lý công nghệ thông tin trên các phường xã, xử lý thông tin, giảm thủ tục hành chính đồng thời tăng tiện ích cho các tổ chức, công dân. Đây là bước khởi đầu cho UBND TP Quy Nhơn tiến dần đến việc áp dụng chính phủ điện tử. Việc này cũng đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII”.

 

Theo baobinhdinh.com.vn




Tin nổi bật Tin nổi bật