A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CN-TTCN Hoài Nhơn: Phát triển nhanh và đồng bộ

Với nỗ lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), những năm qua cơ cấu kinh tế của huyện Hoài Nhơn tiếp tục có bước chuyển dịch mạnh mẽ, hoạt động phát triển kinh tế đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.


Dệt chiếu cói bằng máy tại một cơ sở sản xuất chiếu ở Chương Hòa (Hoài Nhơn). Ảnh: Văn Lưu


Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 6 cụm công nghiệp (CCN) và một khu chế biến (KCB) thủy sản, được huyện đầu tư xây dựng hạ tầng, đã giao 78/153ha đất ở các CCN cho 36 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất. Huyện đã vận động các DN cùng phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng tại các CCN, khu chế biến với tổng số vốn hơn 552 tỉ đồng.


Hiện một số CCN đã cơ bản được lấp đầy, các DN đi vào sản xuất ổn định. CCN Tam Quan diện tích trên 17ha được bố trí cho Công ty cổ phần May Nhà Bè, với tổng số vốn đầu tư 212 tỉ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 4.000 lao động. CCN Hoài Đức với quy hoạch 60ha, đã được Công ty cổ phần Khoáng sản miền Trung thuê 16,7ha, đang tiến hành đầu tư gần 120 tỉ đồng xây dựng nhà máy quặng sắt. CCN Bồng Sơn diện tích 30,5ha, hiện có 11 DN thuê đất, trong đó 10 DN đã triển khai sản xuất, giải quyết việc làm cho 343 lao động. Các CCN Hoài Thanh Tây, Hoài Hảo, Tường Sơn (xã Hoài Sơn) có diện tích bình quân 12-17ha đã được lấp đầy 16,7/44ha, triển khai sản xuất trên các lĩnh vực chế biến gỗ, dăm gỗ, ống bê tông… Ngoài ra, KCB thủy sản Tam Quan Bắc có diện tích 5,08ha đã có 5 DN và 12 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực thủy sản, doanh thu 2 năm vừa qua đạt trên 701 tỉ đồng.


Nhìn chung, các CCN trên địa bàn huyện Hoài Nhơn đã phát huy vai trò đầu tàu, tạo động lực thúc đẩy phát triển CN-TTCN của huyện. Trong giai đoạn 2011-2012, hoạt động sản xuất kinh doanh tại các CCN, KCB đạt giá trị 2.260 tỉ đồng, nộp ngân sách trên 111 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động; thu nhập bình quân 3,1 triệu đồng/người/tháng.


Trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương như chế biến gỗ, thủy sản, vật liệu xây dựng, sản phẩm từ dừa… các DN, cơ sở sản xuất ngoài CCN cũng đã chú trọng mở rộng đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất CN-TTCN. Hoạt động của các làng nghề tiếp tục phát triển. Đến nay toàn huyện có 4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận. Tiểu biểu có làng nghề chiếu cói Chương Hòa (xã Hoài Châu Bắc) nhờ chuyển từ dệt thủ công sang dệt bằng máy, doanh thu trong 2 năm qua đạt 12,3 tỉ đồng. Tương tự, tại làng nghề bánh tráng, bún số tám Tăng Long (xã Tam Quan Nam), nhiều hộ gia đình đã chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất bằng máy, doanh thu 2 năm 2011-2012 trên 24 tỉ đồng…


Có thể nói, những năm qua lĩnh vực CN-TTCN của huyện phát triển khá nhanh và đồng bộ, góp phần nâng cao tỉ trọng CN-TTCN và thương mại-dịch vụ (hiện chiếm tỉ trọng 64% trong cơ cấu kinh tế), giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho trên 12.000 lao động. Kết quả đó là nhờ có sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong việc tăng cường đối thoại, trao đổi, xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực CN-TTCN; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư…


Trong thời gian tới, Hoài Nhơn tập trung thực hiện Chương trình hành động số 20-CTr/HU của Huyện ủy về “Đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, thương mại-dịch vụ và làng nghề giai đoạn 2011-2015”, phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng CN-TTCN, nâng cao hơn nữa tỉ trọng CN-TTCN trong cơ cấu kinh tế. Huyện sẽ tăng cường công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện để DN đầu tư, sản xuất thuận lợi, đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao nhất. Trước mắt, huyện đang đẩy nhanh công tác khảo sát, xây dựng và đưa vào hoạt động KCB hải sản tập trung Hoài Hương; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng CCN Bồng Sơn mở rộng để giao đất cho nhà đầu tư…



Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật