A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giúp nông dân làm chủ kỹ thuật VietGAP

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thực hành sản xuất VietGAP cho cán bộ nông nghiệp ở cơ sở và nông dân. Mục tiêu của Trung tâm là từng bước giúp nông dân áp dụng thành công, nhân rộng việc sản xuất hợp chuẩn VietGAP.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tổ chức 20 lớp tập huấn cho nông dân, 2 lớp đào tạo tiểu giáo viên ToT, 5 lớp tập huấn liên quan tới chương trình khuyến nông trung ương và sản xuất cánh đồng mẫu lớn; 5 lớp tập huấn tuyên truyền bảo vệ rừng và một số lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển hướng sang nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp bền vững. Một điểm khác biệt rõ rệt là sản xuất nông nghiệp chuyển từ bị động sang chủ động bằng việc tính toán xây dựng kế hoạch sản xuất. Trên cơ sở phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, việc trang bị kiến thức cho nông dân là điều kiện cần thiết, và các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn của Trung tâm Khuyến nông là một trong những kênh truyền tải và cung cấp kiến thức gần gũi cho bà con nông dân dễ tiếp thu.

Nông dân tiếp cận kỹ thuật và thực hành trồng trọt VietGAP. Ảnh: THU DỊU 

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tập huấn kỹ thuật thâm canh bưởi da xanh hợp chuẩn VietGAP; thâm canh đậu phụng hợp chuẩn VietGAP kết hợp với hệ thống tưới tiên tiến; đào tạo và trang bị kiến thức cho các cán bộ nông nghiệp cơ sở về bộ tiêu chuẩn sản xuất hợp chuẩn VietGAP. 

Với lợi thế phát triển cây ăn trái tập trung, huyện Hoài Ân đã quy hoạch các vùng sản xuất và hướng dẫn người dân chuyển đổi từ các vườn tạp sang trồng cây ăn trái, chủ lực là bưởi, mít, ổi… Ngành nông nghiệp của huyện Hoài Ân cùng với Trung tâm Khuyến nông xây dựng một số mô hình thâm canh bưởi da xanh hợp chuẩn VietGAP, đồng thời từ các mô hình trình diễn, Trung tâm tập huấn nhân rộng cho các hộ dân xung quanh để áp dụng và chuyển đổi.

Ông Hàn Văn Thanh, chủ vườn bưởi thâm canh hợp chuẩn VietGAP ở xã Ân Tường Tây (Hoài Ân), cho hay: “Trước nay, bà con trồng bưởi theo kiểu người này bày cho người kia, đến khi tham gia các lớp tập huấn, được hướng dẫn kỹ càng, cán bộ kỹ thuật cầm tay chỉ việc mới biết có một số cái mình làm sai mà không biết. Ví dụ như cứ tưởng bón phân nhiều, tưới nước nhiều là tốt nhưng thực tế không phải vậy, cây cũng như người, vừa đủ mới phát triển tốt, dư thì thành béo phì, mà thiếu thì suy dinh dưỡng. Nhờ được tiếp nhận kỹ thuật mới, tôi áp dụng kỹ thuật canh tác VietGAP, kết hợp dùng các chế phẩm sinh học nên hơn 300 gốc bưởi 4 năm tuổi của gia đình phát triển đều, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao”.

Tham gia vào lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP, ông Võ Ðình Chánh ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn không chỉ áp dụng tốt trong sản xuất rau an toàn mà còn biết tận dụng phế, phụ phẩm từ rau để ủ phân hữu cơ. Theo ông Chánh, VietGAP nói dễ hiểu là từ việc làm đất, lên luống, xuống giống, chăm sóc và thu hoạch đều được định lượng bằng con số, không còn theo kinh nghiệm. Quan trọng là dùng đủ và đúng liều lượng phân bón, đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch. Rau an toàn đúng nghĩa an toàn từ sản xuất cho tới người dùng.

Hoạt động khuyến nông trong bối cảnh hiện nay liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tế. Thêm vào đó, bà con nông dân hiện đã bắt kịp với thông tin, không còn phụ thuộc vào các mô hình hay cầm tay chỉ việc mà đã biết lựa chọn, tiếp cận với thông tin hữu ích.

Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết, để giúp bà con nắm vững và có thêm lựa chọn, đặc biệt trong bối cảnh toàn ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…, việc trang bị kiến thức cùng với những mô hình thực tế là cách để nông dân tiếp cận và áp dụng nhanh, chính xác.                       


Tác giả: THU DỊU
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật