A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Hoài Nhơn đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản

Hoài Nhơn - huyện ven biển phía Bắc tỉnh Bình Định, có chiều dài bờ biển 23 km với 02 cửa sông. Những năm qua, ngành thủy sản toàn huyện có mức tăng trưởng khá với hơn 17%/năm, chiếm 62,5% tổng giá trị sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp, đã đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế địa phương.



Ảnh minh họa.

Khai thác hải sản

Khai thác hải sản được xem là thế mạnh của Hoài Nhơn với đội tàu thuyền 2.395 chiếc, tổng công suất 455.931 CV, trong đó tàu có công suất từ 90 CV trở lên chiếm 64,5%. Ngư dân của huyện có mặt trên khắp các ngư trường xa bờ, gần bờ, chủ yếu từ vùng biển Hoàng Sa đến phía Nam đất nước với các nghề lưới rút, cản ni lông, câu cá ngừ đại dương, câu mực… Nghề đã giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 18.700 lao động.

Bên cạnh nổ lực của ngư dân để vươn ra khơi, chính quyền địa phương cũng đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển xa tạo điều kiện đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị, mở rộng và đa dạng ngành nghề đánh bắt. Trong năm 2011 và 2012 đã hỗ trợ 230,9 tỷ đồng cho ngư dân theo Quyết định 48 của Thủ Tướng Chính phủ. Ngoài ra, công tác tuyên truyền về Luật biển năm 1982, Chỉ thị 689 của Thủ tướng Chính phủ, kiến thức an toàn nghề cá, tập huấn thuyền trưởng, máy trưởng, sử dụng tần số vô tuyến điện tàu cá được thực hiện thường xuyên với hàng ngàn lượt ngư dân tham dự. Nhờ đó mà ngư dân yên tâm bám biển, sản lượng khai thác hàng năm đạt hơn 35.000 tấn/năm, riêng năm 2012 là 42.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương 9.300 tấn. Sự khấm khá của nghiệp biển đã tạo nên diện mạo những làng chài trù phú như Tam Quan Bắc, Hoài Hương, Tam Quan Nam, Hoài Thanh.

Chế biến thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá

Đánh bắt hải sản phát triển kéo ngành chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển theo. Lớn nhất phải kể đến là khu chế biến thủy sản Tam Quan Bắc với diện tích 5,08 ha, hiện có 05 doanh nghiệp và 12 cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt tổng doanh thu trung bình hàng năm hơn 350 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách hơn 11 tỷ đồng. Khoảng 30% lượng hải đánh bắt được thu mua và chế biến tại đây để sau đó đem đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước như cá ngừ đại dương (tuna saku, tuna lion), cá ngừ sọc dưa, cá chuồn mẵn tẩm, tôm nguyên con, tôm lột vỏ, cá cơm khô. Đến năm 2012, giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản đạt 5.000.000 USD. Ngoài ra, một số cơ sở chế biến khác cũng hoạt động khá với các sản phẩm khô da cá, khô cá cơm, nước mắm…. Trong đó, Sản phẩm tập thể có nước mắm Tam Quan của 14 hộ chuyên chế biến nước mắm đóng chai.

Các dịch vụ hậu cần nghề cá như: thu mua cá, mua bán lưới cụ, máy móc, hàn tiện, sản xuất nước đá, xăng dầu, gas và thực phẩm cũng làm ăn hiệu quả với hơn 150 cơ sở phục vụ không chỉ cho tàu thuyền trong huyện mà cả huyện lân cận, tỉnh khác đến. Doanh thu từ các dịch vụ trên đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Hoài Nhơn cũng nổi tiếng với nghề đóng mới và sửa chữa, nâng cấp tàu cá. Chỉ riêng trong năm 2011 và 2012 đã cho xuất xưởng hơn 210 chiếc tàu thuyền, sửa chữa hơn 370 chiếc tàu cũ. Hiện nay 9 cơ sở đóng tàu cá tại bến Tam Quan Bắc đang hoạt động hết công suất vì đơn đặt hàng khá nhiều. Năng lực đóng tàu của các cơ sở này ngày càng được nâng lên. Điển hình như Công ty cổ phần thủy sản Hoài Nhơn đã có thể đóng mới tàu cá công suất 1.000 CV và sửa chữa hơn 300 tàu mỗi năm.

Nuôi trồng thủy sản

Những năm gần đây, huyện có chủ trương không cho phép nuôi tôm trên cát vì gây cạn kiệt nguồn nước ngầm ven biển phục vụ dân sinh. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ hiện nay 180 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 1.700 tấn. Trong đó, khu nuôi tôm thuộc Dự án Công Lương xã Hoài Mỹ 18,9 ha đã phát huy hiệu quả, đạt năng suất khá. Ngoài ra các mô hình nuôi xen cua cá, vẹm xanh ở vùng nước lợ thành công bước đầu.

Nuôi cá nước ngọt mặc dù diện tích lớn nhưng chủ yếu quãng canh trên các đầm, bàu, hồ thủy lợi khoảng 214 ha, năng suất thấp 0,2 tấn/ha/năm. Nuôi cá lóc thâm canh khoảng 2,5 ha, năng suất bình quân 160 tấn/ha/năm. Sản lượng hàng năm đạt trên 420 tấn.

Còn đó những khó khăn

Mặc dù đạt được những thành tích vượt bậc nhiều năm qua, nhưng ngành thủy sản huyện cũng gặp không ít trở ngại. Cửa biển Tam Quan bị bồi lấp dẫn đến khó khăn cho tàu cá ra vào để mua bán cá, trung chuyển hàng hóa. Tình trạng ngư dân và tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ, bị nạn trên biển vẫn xảy ra nhiều gây thiệt hại lớn về người, tài sản mỗi năm. Việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại vào khai thác và bảo quản thủy hải sản chưa đồng bộ nên hiệu quả không cao. Nghề câu cá ngừ đại dương phát triển mạnh với hình thức câu tay dùng đèn cao áp sản lượng khá, tuy nhiên giá cá xuống ở mức quá thấp ảnh hưởng thu nhập của ngư dân. Các cơ sở chế biến thủy sản với qui mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sản phẩm có sức cạnh tranh thấp, việc xử lý chất thải của hoạt động chế biến chưa đúng qui định. Chưa đầu tư nhiều cho thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nuôi trồng thủy sản cũng còn nhiều tồn tại: cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng xuống cấp, tình trạng ô nhiễm, nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Công tác quy hoạch từng vùng nuôi thủy sản chưa tốt. Chưa phát huy tiềm năng nuôi trồng các loài thủy sản là đặc sản ở vùng nước ngọt, lợ. Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến ngư tại địa phương còn thiếu và yếu về chuyên môn, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành thủy sản.

Để phát triển ngành thủy sản của huyện xứng với tiềm năng của nó, chính quyền và các ban ngành địa phương đang nỗ lực trong công tác quy hoạch, xây dựng cơ bản, xử lý môi trường và hỗ trợ ngư dân. Theo đó, thời gian đến sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật biển, chính sách của Nhà nước đối với ngư dân, các biện pháp giảm thiểu ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, hướng dẫn ngư trường, mùa vụ đánh bắt; cảnh báo thiên tai, tổ chức ứng cứu kịp thời khi gặp rủi ro. Khuyến khích ngư dân cải hoán, đóng mới tàu cá, trang bị thiết bị hiện đại, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong đánh bắt và bảo quản. Củng cố, nhân rộng và phát huy hiệu quả các Tổ đoàn kết khai thác thủy sản trên biển.

Tiến hành xây dựng cụm công nghiệp Hoài Hương phục vụ chế biến hải sản tập trung, cảng hàng hóa Tam Quan, khu hậu cần nghề cá Bãi Dài, kè đê biển Tam Quan Bắc, Công Thạnh, Thạnh Xuân Đông. Nạo vét cửa biển Tam Quan, nạo vét cồn Rớ, nâng cấp cầu Thiện Chánh để mở rộng khu neo đậu tàu thuyền, xây dựng trạm xử lý nước thải khu chế biến thủy sản Tam Quan Bắc. Mời gọi các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu hải sản có lợi thế của huyện. Quy hoạch lại các vùng nuôi thủy sản bền vững, khuyến khích đa dạng đối tượng nuôi, nuôi theo hướng sinh thái, thân thiện môi trường. Áp dụng nghiêm túc lịch thời vụ, kỹ thuật nuôi, phòng chống dịch bệnh. Xử lý triệt để các trường hợp nuôi ngoài quy hoạch, khai thác nước ngầm trái phép để nuôi tôm./.

 

Theo khuyennongvn.gov.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật