Khôi phục, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Hoài Ân: Nhìn từ điển hình Ân Hảo Ðông
Thông qua nhiều nguồn vốn, chương trình hỗ trợ, mấy năm gần đây huyện Hoài Ân đã khôi phục và phát triển khá tốt nghề trồng dâu nuôi tằm, trong đó xã Ân Hảo Ðông là một điển hình.
Nhiều năm qua, nhờ lồng ghép vốn từ các chương trình, các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp, Hoài Ân đã từng bước khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm. Ngành nông nghiệp huyện phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) lai tạo và chuyển giao kỹ thuật trồng các giống dâu mới cho năng suất lá cao, đạt hơn 20 tấn lá/ha/năm như F1-VH15, S7-CB, VH1, GQ2... Cùng với đó người trồng dâu nuôi tằm còn được hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi tằm theo hướng tập trung, nuôi tằm hai giai đoạn, tạo ra sản phẩm tốt, giúp người dân có thu nhập ổn định, đảm bảo có thể sống tốt với nghề. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT, đến nay huyện Hoài Ân đã có hơn 350 ha dâu, riêng xã Ân Hảo Đông chiếm 125 ha, với hơn 100 hộ theo nghề trồng dâu nuôi tằm.
Với 2,5 ha diện tích trồng dâu ven bãi bồi, gia đình chị Đỗ Thị Phượng, ở thôn Hội Trung, xã Ân Hảo Đông có thu nhập khá với nghề trồng dâu nuôi tằm.
Ảnh: THU DỊU
Theo định hướng phát triển của huyện, xã Ân Hảo Đông là trung tâm của nghề trồng dâu nuôi tằm. Với định hướng này, khi thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã ưu tiên cho các dự án khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Lý giải cho việc hồi sinh nghề cũ, ông Nguyễn Trung Phong, Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Đông, cho biết: Nhờ tiếp cận được nhiều giống tằm, dâu mới năng suất, chất lượng cao và kỹ thuật nuôi mới, người trồng dâu nuôi tằm hạn chế được rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh. Hơn nữa, một yếu tố rất quan trọng là từ năm 2017 đến nay, giá kén tằm rất ổn định, khi có biến động đều theo hướng tăng lên, thời điểm này đang ở mức 190 nghìn đồng/kg, đây là mức đủ đem lại lợi nhuận lớn cho người dân địa phương.
Trên diện tích 2,5 ha đất bãi ven sông, gia đình chị Đỗ Thị Phượng đầu tư trồng các giống dâu mới, xen canh gối vụ để nuôi tằm từ tháng 1 đến tháng 10 hằng năm. Năm 2020, chị Phượng chủ động đăng ký tham gia mô hình trồng giống dâu mới và áp dụng kỹ thuật nuôi tằm 2 giai đoạn do Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân chuyển giao.
Chị Đỗ Thị Phượng kể: Quy trình nuôi tằm 2 giai đoạn giúp mình tiết kiệm được nhiều khoản chi phí, giảm được nhiều rủi ro trong quá trình nuôi. Được chuyển giao, tập huấn kỹ thuật nuôi tiên tiến, lại có thêm một số giống dâu mới năng suất cao, mỗi tháng gia đình tôi nuôi 2 hộp trứng, sản lượng gần 100 kg kén/tháng; mỗi tháng tôi có thể lãi được hơn 10 triệu đồng. Trồng dâu nuôi tằm theo kiểu mới không chỉ giúp bà con chúng tôi thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Hiện nay, những gia đình theo nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Ân Hảo Đông đều sống khỏe với nghề. “Tuy nhiều năm qua giá kén ổn định với mức có lợi cho người trồng dâu nuôi tằm, nhưng chúng tôi vẫn chưa thật sự yên tâm vì còn thiếu các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo bền vững. Toàn bộ việc tiêu thụ kén tằm đến giờ vẫn do thương lái chi phối. Vì thế chính quyền địa phương rất trăn trở với bài toán xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ bền vững. Trước mắt, chúng tôi tiếp tục nhân rộng các mô hình trồng dâu nuôi tằm để hỗ trợ bà con, tiết giảm chi phí đầu tư; đồng thời xúc tiến thành lập làng nghề, mở rộng và tìm đầu ra cho sản phẩm kén tằm”, ông Nguyễn Trung Phong chia sẻ.
Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, mục tiêu của huyện Hoài Ân duy trì ổn định diện tích trồng dâu nuôi tằm trên 500 ha tại 5 xã: Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Hữu, Ân Nghĩa. Trong năm 2023, huyện Hoài Ân xúc tiến hỗ trợ xã Ân Hảo Đông thành lập làng nghề trồng dâu nuôi tằm, từng bước xây dựng được vùng sản xuất, phát triển nhãn hiệu kén tằm Hoài Ân tại xã Ân Hảo Đông, xúc tiến quảng bá tìm kênh tiêu thụ sản phẩm cho bà con.