A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nước mắm Ðề Gi hương vị đậm đà

Nghề sản xuất, chế biến nước mắm tại vùng biển Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) được hình thành từ lâu và được duy trì, phát triển cho đến năm 2016, Làng nghề nước mắm Ðề Gi được công nhận làng nghề truyền thống. Tiếp theo đó, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu Nước mắm Ðề Gi, tạo tiền đề đưa sản phẩm của làng nghề phát triển, khẳng định chất lượng sản phẩm, tạo dựng lòng tin, uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Theo thống kê của UBND xã Cát Khánh, toàn xã có hơn 300 cơ sở, hộ làm nước mắm, tập trung ở thôn An Quang Đông, An Quang Tây; mỗi năm sản xuất hơn 100 nghìn lít nước mắm cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Để tạo ra sự khác biệt, thương hiệu “Nước mắm Đề Gi” được sản xuất từ nguồn cá cơm, cá nục, cá sơn, cá thu kết hợp với muối của vùng biển Đề Gi và nước đầm Đạm Thủy. Đặc biệt, muối ở Đề Gi dùng muối cá mới tạo ra sản phẩm nước mắm Đề Gi thơm ngon, đặc trưng, vị mặn mà không chát. Nhờ vậy đã tạo nên mùi vị nước mắm đặc trưng của thương hiệu “Nước mắm Đề Gi” là thơm ngon, tinh khiết được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Nước mắm Đề Gi có đặc trưng màu vàng ươm, màu vàng rơm, thơm ngon, thanh khiết, mùi vị hương thơm đậm đà không có hóa chất, chất bảo quản hay chất phụ gia tạo vị. Bởi vậy người tiêu dùng trong cả nước rất ưa chuộng nước mắm Đề Gi.Tùy theo chất lượng loại mắm sẽ có giá thành khác nhau được chia làm 3 loại, loại bình dân hiện tại 60 – 70 ngàn đồng/lít, loại thượng hạng 120 ngàn đồng/lít, loại nhỏ lù 150 ngàn đồng/lít. Với giá bán này, nước mắm truyền thống Đề Gi có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Thị trường tiêu thụ nước mắm Đề Gi là trong huyện Phù Cát, tỉnh và khu vực miền Trung Tây Nguyên. Ông Đỗ Thanh Trúc (69 tuổi, ở thôn An Quang Tây) cho biết gia đình có truyền thống làm mắm từ nhiều thế hệ và bí quyết để giữ bạn hàng là mắm phải sạch, đảm bảo chất lượng. Cá nguyên liệu làm mắm phải là cá tươi, rửa sạch, để ráo nước. Tùy theo kích thước con cá cơm mà muối theo tỷ lệ ba cá - một muối, hoặc ba cá rưỡi - một muối. Khi muối mắm phải trộn đều cá và muối, sau đó cho vào chum, vại, rồi bịt kín, ủ trên 6 tháng đến một năm. Mỗi tháng gia đình ông Trúc bán khoảng 500 - 700 lít nước mắm.

Theo ông Nguyễn Hữu Dự, Trưởng thôn An Quang Tây, thôn có khoảng 670 hộ, trong đó có gần 200 hộ làm nước mắm truyền thống, các hộ còn lại chủ yếu làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên biển và đầm Đề Gi. Cũng là nước mắm cá cơm nhưng mắm Đề Gi luôn có mùi nồng nàn hơn mắm ở làng khác một chút. Có thể là do muối Đề Gi mặn hơn, cá cơm đánh bắt ở Đề Gi tươi hơn và được chuyển đến tay người làm mắm trong thời gian rất ngắn. Đa số những hộ chế biến nước mắm ở đây đều theo phương pháp ủ chượp truyền thống, với nguyên liệu là cá và muối Đề Gi. Có nhiều hộ sản xuất nước mắm quy mô lớn, cung cấp từ 2.000 - 3.000 lít/năm ra thị trường cả nước. Tuy nhiên, vì một vài nguyên nhân, các hộ làm nước mắm ở An Quang Tây vẫn theo thói quen cũ, cung cấp sản phẩm cho mối quen nên hầu hết không có nhãn hiệu.

Tương tự, tại thôn An Quang Đông có hơn 100 hộ làm nước mắm, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vẫn theo kiểu không gắn nhãn mác, xuất xứ, thông tin nguồn gốc… Theo bà Trần Thị Hương, chủ một cơ sở chế biến nước mắm tại đây thì: Trung bình mỗi năm gia đình bà sản xuất hơn 2.000 lít nước mắm, nhưng lâu nay chủ yếu bán cho bạn hàng nhiều nơi, vì họ không yêu cầu nên bà không cần làm nhãn mác, thông tin trên sản phẩm.

Nghề sản xuất, chế biến nước mắm tại vùng biển Đề Gi, xã Cát Khánh được hình thành từ lâu và được duy trì, phát triển cho đến năm 2016, Làng nghề nước mắm Ðề Gi được công nhận làng nghề truyền thống. Tiếp theo đó, năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu Nước mắm Ðề Gi, tạo tiền đề đưa sản phẩm của làng nghề phát triển, khẳng định chất lượng sản phẩm, tạo dựng lòng tin, uy tín với người tiêu dùng. Ngay khi được cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phù Cát phối hợp với UBND xã, thôn trực tiếp làm việc với các hộ sản xuất nước mắm quy mô lớn, vận động người dân sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm và thông tin đầy đủ về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản xuất. Tuy nhiên, số lượng hộ kinh doanh đăng ký, đáp ứng các yêu cầu về cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, để sử dụng nhãn hiệu Nước mắm Đề Gi còn quá ít. Đến nay, cả xã chỉ có 3 cơ sở nước mắm là Thái An, Diệu Thủy, Hoa Quyên đăng ký nhãn hiệu. Còn hầu hết các hộ sản xuất thủ công số lượng nhỏ lẻ nên người dân chưa quan tâm đến việc sử dụng nhãn hiệu, bao bì… để tiêu thụ trên thị trường.

Ông Lưu Thái Cầu, chủ cơ sở nước mắm Thái An, một trong 3 cơ sở sử dụng nhãn hiệu Nước mắm Đề Gi, cho biết: “Việc có thêm nhãn hiệu Nước mắm Đề Gi trên sản phẩm nước mắm Thái An là thêm một phần bảo chứng về độ ngon, uy tín của nước mắm. Cùng với nhãn hiệu nước mắm Thái  An - Đề Gi, chúng tôi công bố thông tin chất lượng, nguồn gốc để người tiêu dùng thêm tin tưởng vào nước mắm của mình. Cũng là nước mắm ở Đề Gi nhưng khi có thêm nhãn mác, giá bán tăng lên nhiều”. Việc thương hiệu “nước mắm Đề Gi” được bảo hộ độc quyền giúp cho người dân sản xuất, kinh doanh làng nghề nước mắm truyền thống Đề Gi có thêm điều kiện thúc đẩy, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, việc thương hiệu nước mắm truyền thống Đề Gi được công nhận còn là sự khẳng định chất lượng sản phẩm, tạo dựng lòng tin, uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Do đó, sản phẩm nước mắm Đề Gi có cơ sở để nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao được giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế, giúp đời sống của người dân tốt hơn.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: “Đến nay, hầu hết các hộ sản xuất nước mắm ở làng nghề truyền thống Đề Gi đều đã xây dựng nhãn hiệu riêng cho sản phẩm ở từng cơ sở; góp phần phát triển thương hiệu chung “nước mắm Đề Gi”. Hiện nay, sản phẩm làng nghề truyền thống nước mắm Đề Gi đã được nhiều người biết đến, sử dụng và ưa chuộng, không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn được bán ra thị trường cả nước; tạo việc làm, nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm từ nghề khai thác, đánh bắt thủy sản địa phương”./.


Tác giả: Văn Thý
Nguồn:phucat.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật