|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan tỏa các mô hình dân vận khéo ở Tây Sơn

Những năm qua, “Dân vận khéo” đã trở thành phong trào thi đua chung của cả hệ thống chính trị, được triển khai rộng khắp với nhiều biện pháp, hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện; từng bước đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa tích cực trong xã hội.

Chiến sĩ Trung tâm huấn luyện Quân sự quốc gia 2 dân vận giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Xác định dân vận khéo là của cả hệ thống chính trị, Bình Tường đã thực hiện nhiều mô hình dân vận khéo, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng chí Nguyễn Thanh Giang - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Tường cho biết: "Một bài học sâu sắc mà xã luôn vận dụng đó là việc “lấy dân làm gốc”, dân làm công tác dân vận cho dân. Điển hình  như việc giải phóng mặt bằng (GPMB), mở rộng Quốc lộ 19 đoạn qua xã, chúng tôi gặp không ít khó khăn bởi dự án không có chính sách đền bù. Tuy nhiên, qua các hộ dân gương mẫu, các đảng viên tuyên truyền, vận động; 167 hộ dân trên địa bàn xã đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ vật kiến trúc, cây trồng, hoa màu... để địa phương đầu tư chỉnh trang, lát gạch block trên 1.300 m vỉa hè hai bên Quốc lộ 19 và mở rộng, nâng cấp, thảm nhựa gần 500 m đường; đồng thời, đóng góp gần 300 triệu đồng để làm đường hoa dọc các tuyến giao thông liên thôn...". Thông qua phong trào dân vận khéo, đã tuyên truyền, vận động, tập hợp được đông đảo các lực lượng trong cộng đồng chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, tạo nên sức mạnh tổng hợp làm đổi thay bộ mặt nông thôn, nâng cao hiệu quả lao động sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đưa xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2022.

Đồng chí Đoàn Văn Em - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tây Vinh cho hay, địa bàn xã có dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn năm 2021 - 2025 chạy qua với tổng chiều dài hơn 2,3 km, tổng diện tích đất thu hồi hơn 17,7 ha. Xác định công tác GPMB thường nảy sinh những vấn đề phức tạp, Đảng ủy xã nhận định công tác dân vận trong GPMB cần phải đi trước, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”trong quá trình triển khai. Tháng 7.2022, Đảng ủy xã đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã thành lập mô hình dân vận khéo Tổ vận động, phản ứng nhanh bồi thường, GPMB và tái định cư thực hiện Dự án. Từ đó, Ủy ban nhân xã thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại, tuyên truyền về Dự án cho người dân hiểu; ghi nhận những ý kiến vướng mắc, báo cáo lên cấp trên để tìm hướng giải quyết, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân… Nhờ vậy, hầu hết người dân có đất thu hồi đều ủng hộ chủ trương, mong muốn Dự án sẽ được triển khai nhanh. Đáng chú ý, tại thôn Nhơn Thuận, An Vinh 2 có 47 hộ dân nằm trong diện giải tỏa trắng. Qua tuyên truyền, các hộ đều nắm rõ các quy định GPMB, đồng ý nhận tiền đền bù; trong đó, có 40 hộ được xét tái định cư và đã di dời đến nơi ở mới. Theo Phó bí thư Đảng ủy xã Tây Vinh, hiện xã vẫn còn gặp một số khó khăn về GPMB, bởi một số hộ dân bị thu hồi một phần đất nhưng lại muốn giải tỏa trắng để xét tái định cư, hoặc đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa tháo dỡ công trình bàn giao mặt bằng sạch cho chính quyền nên gian tới, Đảng ủy xã sẽ chỉ đạo tổ vận động xã tăng cường tuyên truyền, giải thích thêm về các quy định GPMB, đền bù để các hộ chấp hành. Dự kiến, cuối tháng 11/2023, Ủy ban nhân xã sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho các đơn vị làm Dự án, góp phần vào việc phát triển chung của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cho biết: "Một nhiệm vụ hết sức nặng nề chúng tôi phải thực hiện trong năm 2023 là việc đưa xã Vĩnh An về đích NTM. Đây là nhiệm vụ mà trước đó chúng tôi nghĩ khó có thể thực hiện được vì kinh phí quá lớn, đồng bào Ba Na lại có những phong tục tập quán riêng khó thay đổi. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, công tác dân vận, vận động đóng góp thực hiện các tiêu chí xã NTM của xã Vĩnh An đã đạt nhiều kết quả phấn khởi. Cụ thể chúng tôi đã vận động đóng góp hơn 3,6 tỷ đồng (vượt hơn 600 triệu đồng so dự kiến), trong đó đã hỗ trợ xây dựng 250 nhà vệ sinh với số tiền 2,5 tỷ đồng (đạt 100% số hộ),  xây dựng 14 nhà đại đoàn kết với số tiền 680 triệu đồng.... Cái được lớn ở đây, không chỉ là việc các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, đơn vị tham gia đóng góp công sức, tiền của vào việc xây dựng nông thôn mới mà ngay người Ba Na ở xã Vĩnh An cũng đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm; thống nhất, đồng thuận, chung sức, đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực vào việc xây NTM ở địa phương".
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Tây Sơn có 117 mô hình dân vận khéo được xây dựng mới trên các lĩnh vực như: xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; nâng tổng số mô hình dân vận khéo đến nay trên địa bàn huyện lên 696 mô hình; trong đó có 131 mô hình tiêu biểu được nhân rộng.
Đồng chí Lê Bình Thanh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tây Sơn cho biết, công tác dân vận được huyện xác định là một trong những công tác quan trọng cần phải có sự quan tâm, đặt lên hàng đầu. Từ đó, các cấp ủy trên địa bàn huyện đã tăng cường tần suất chỉ đạo đối với công tác dân vận; đồng thời, thực hiện đổi mới từ nội dung ban hành văn bản cho đến hình thức tổ chức triển khai, đổi mới từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận. Nếu như trước đây, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn nghĩ dân vận là công tác của ban dân vận thì nay dân vận được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của cán bộ Đảng viên và nhân dân, chú trọng việc nhân dân làm dân vận nên đã đạt được những kết quả rất tích cực. 

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đối mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, đồng chí Lê Bình Thanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tây Sơn cũng đề nghị thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong huyện cần thấm nhuần tư tưởng "dân là gốc”, nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; tiếp tục tăng cường, đối mới công tác dân vận, lấy sự hài lòng của nguồn dân và sự đồng thuận xã hội làm thước đối đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấpquyết tâm đạt 2 mục tiêu lớn Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra là xây dựng huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023 và đến năm 2024 đạt chuẩn đô thị loại IV.


Tác giả: Minh Ngọc
Nguồn:tayson.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật