A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phù Cát: Giải pháp phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

(binhdinh.gov.vn) - Hiện nay, trên địa bàn huyện Phù Cát có 5 cụm công nghiệp (CCN) và 7 điểm công nghiệp hộ gia đình được thành lập gồm CCN Gò Mít, Cát Nhơn, Cát Trinh, Cát Hiệp và Cát Khánh, đã thu hút 36 doanh nghiệp đầu tư và giải quyết việc làm cho trên 4.600 lao động ở địa phương.

Công nhân đang làm việc tại ơ sở may gia công Hoa Nắng, thôn Phú Kim, xã Cát Trinh- Phù Cát.

Những năm qua, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của huyện phát triển tương đối toàn diện, giá trị sản xuất không ngừng tăng cao. Hầu hết các lĩnh vực sản xuất CN-TTCN có thế mạnh của huyện đều duy trì ổn định và có tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong 7 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất CN-TTCN  đạt hơn 2.180,8 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại hình doanh nghiệp tăng cả về số lượng, quy mô và năng lực sản xuất; máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công nghệ mới và nguồn nhân lực chất lượng cao được quan tâm đầu tư. Các ngành công nghiệp chủ lực như: dệt may, đồ gỗ xuất khẩu, cơ khí chế tạo máy phát triển ổn định. Các CCN tập trung đã được lấp đầy, khai thác có hiệu quả; một số làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển như: Nón ngựa Phú gia, xã Cát Tường, nước mắm Đề Gi, xã Cát Khánh…. Sản xuất CN-TTCN phát triển đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình sản xuất CN-TTCN của huyện trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại: Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện, phát triển chưa đồng đều ở các xã, thị trấn; tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, tỷ lệ lao động công nghiệp vẫn còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp trong giai đoạn CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; quy mô, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, sức cạnh tranh còn hạn chế, thiếu sự liên doanh liên kết, chuyên môn hóa sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm...

Để thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong giai đoạn 2018-2020, huyện Phù Cát chủ trương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở; tập trung phát triển sản xuất CN-TTCN trở thành khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Từ đó, tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển CN-TTCN nhanh, hiệu quả và bền vững.

Ông Nguyễn Bá Lương - Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng huyện Phù Cát cho biết, thời gian tới, huyện Phù Cát sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó có một số giải pháp như: Tăng cường quản lý Nhà nước đối với xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch, định kỳ hằng năm rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển CN-TTCN đã được duyệt. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với phát triển CN-TTCN, các làng nghề, các CCN tập trung. Vận dụng, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích của Trung ương, của tỉnh; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích của huyện, tạo môi trường, hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng để kêu gọi thu hút đầu tư phát triển CN-TTCN. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; các doanh nghiệp sản xuất cùng một loại sản phẩm, hàng hóa liên doanh, liên kết để phân công, chuyên môn hóa sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hàng hóa. Tạo điều kiện để các làng nghề, các CCN tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Triển khai hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào các nghề may, cơ khí chế tạo, chế biến nông, lâm, thủy sản, đồ uống… Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự truyền nghề, đào tạo nghề tại chỗ cho người lao động. Huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển CN-TTCN theo hướng đa dạng hóa: sở hữu, sản phẩm- hàng hóa; thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao, đổi mới công nghệ cho một số ngành nghề ưu tiên.

 

THẾ HÀ


Tin nổi bật Tin nổi bật