Phù Mỹ chú trọng phòng, chống dịch bệnh đàn vật nuôi
Cùng với hoạt động tái đàn, công tác chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nhằm đảm bảo ổn định đàn vật nuôi được các ngành, các cấp của Phù Mỹ thường xuyên quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, nhiều năm qua, huyện kịp thời kiểm soát, ngăn ngừa được các dịch bệnh nguy hiểm.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, năm 2022 tổng đàn bò của huyện là hơn 57.000 con, trong đó hơn 97% là bò lai; đàn heo gần 57.000 con, đàn gia cầm đạt hơn 1,1 triệu con; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 6,27% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2023, Phù Mỹ đặt mục tiêu nâng tổng đàn bò lên gần 58.000 con, đàn heo gần 65.000 con, đàn gia cầm 1,2 triệu con. Để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu này, cùng với việc đầu tư con giống, tái đàn…, các khâu chăm sóc, tiêm chủng, phòng dịch cũng được chú trọng.
Cán bộ thú y tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi (năm 2022) tại huyện Phù Mỹ. Ảnh: THU DỊU
Chính vì thế, ngay từ đầu năm, ngành nông nghiệp huyện Phù Mỹ chủ động các kế hoạch phòng chống dịch, tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi. Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, chia sẻ: Phòng chống dịch là yếu tố quan trọng duy trì sự ổn định cho đàn vật nuôi. Ngay khi có kế hoạch của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Phòng NN&PTNT giao Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Phù Mỹ phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm phòng, chăm sóc cho đàn vật nuôi trước, trong và sau tiêm. Chúng tôi luôn chủ động xuống cùng dân, phối hợp và tuyên truyền cho họ hiểu rõ việc tiêm phòng là cách bảo vệ tài sản tốt nhất.
Thuyết minh thêm điều này, ông Tuấn chia sẻ, ngay khi dịch bệnh viêm da nổi cục bùng phát trên đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp huyện thành lập tổ công tác cùng với chính quyền các địa phương đi tới từng hộ dân vừa nắm danh sách tổng đàn trâu bò, vừa hướng dẫn chăm sóc lúc dịch bệnh đang nguy cấp và tư vấn kỹ khâu tiêm phòng để đảm bảo an toàn. Chính nhờ sự sâu sát trong quá trình vận động, tuyên truyền, nên liên tục trong 2 năm qua huyện Phù Mỹ đã làm rất tốt việc tổ chức tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục với tỷ lệ tiêm phòng đạt 90% tổng đàn. Điểm đặc biệt của Phù Mỹ, là qua thông tin về điều tra dịch tễ mà ngành chăn nuôi và thú y cung cấp, Phòng NN&PTNT giao Trung tâm DVNN cử cán bộ thú y cơ sở đứng chân địa bàn, phối hợp với các xã, thị trấn có tổng đàn trâu bò lớn để nắm danh sách, khoanh vùng nhóm trâu nghé mới sinh và tổ chức tiêm phòng bổ sung đầy đủ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, ở xã Mỹ Cát, kể: Gia đình tôi nuôi 3 con bò. Khi được cán bộ thú y cơ sở hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt là khâu tiêm phòng các bệnh cho đàn bò, tôi rất mừng. Nhiều điều mình cứ tưởng là đã biết rõ, nhưng thật ra không phải vậy. Vì thế, gia đình tôi đã đăng ký để được tiêm định kỳ bệnh lở mồm long móng và bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò.
Theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, công tác phòng dịch cho đàn vật nuôi rất quan trọng. Vì thế, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi, trong đó có công tác thú y. Với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đóng góp lớn trong tăng trưởng nông nghiệp của địa phương. Huyện đã chỉ đạo thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi năm 2023, tiếp tục duy trì tái đàn vật nuôi. Đến nay, thông qua vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện, Phù Mỹ giải ngân hơn 8 tỷ đồng cho các hộ vay tái đàn, duy trì sự phát triển của đàn vật nuôi.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) cho hay, điểm mới trong công tác tiêm phòng đối với bệnh viêm da nổi cục là tổ chức tiêm khép kín để đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Từ kinh nghiệm thực tế của mình kết hợp với hướng dẫn của tỉnh, huyện Phù Mỹ đã xây dựng và triển khai tốt kế hoạch tiêm bổ sung cho số bê nghé mới sinh trong tầm 10 ngày tuổi trở lên để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh tấn công. Cùng với đó, trong quá trình tiêm, cán bộ của huyện cũng có nhiều sáng kiến trong bảo quản vắc xin, cách tổ chức tiêm để hạn chế hao hụt và đảm bảo hiệu quả vắc xin tốt hơn.