|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tây Sơn phát triển rừng trồng FSC

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất, thời gian qua, huyện Tây Sơn đã chủ động triển khai thực hiện đề án phát triển trồng cây gỗ lớn của UBND tỉnh gắn với phát triển rừng trồng theo hướng bền vững, đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững tiêu chuẩn quốc tế FSC, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.

Ông Trần Văn Thu ở thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận đang phát dọn khu rừng để chuẩn bị khai thác rừng đạt chứng chỉ FSC

Tại xã Tây Thuận, sau hơn 2 năm thực hiện dự án, với sự hỗ trợ tham vấn, khảo sát và tập huấn của Công ty TNHH Năng lượng sinh học Tín Nhân; đến nay đã có 130 hộ dân ở xã đăng ký tham gia xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng chỉ rừng FSC với diện tích trên 436 ha.
Có 4,6 ha rừng trồng gần 8 năm tuổi tại khu vực núi Gò Mè đăng ký chuyển thành rừng có chứng chỉ FSC, ông Trần Văn Thu (xóm 2, thôn Tiên Thuận) cho biết, thường thì tôi đã khai thác diện tích rừng trên vào năm 2021 khi rừng được 5 năm tuổi. Tuy nhiên, nhận thức được lợi ích của việc trồng và phát triển rừng bền vững, tôi chăm sóc thêm 2 năm nữa. Hiện nay, tôi đang cho phát dọn, liên hệ với bên mua chuẩn bị khai thác rừng.
Thông tin từ các lớp tập huấn, hoạt động truyền thông khiến nhận thức của chủ rừng chuyển biến tích cực, giá trị rừng khi bán gỗ ngày càng cao thêm, trong khi chi phí đầu tư cho rừng sẽ giảm nhiều so với trồng rừng lấy dăm gỗ bởi giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì đầu tư trồng lại rừng. Tuy nhiên vì thiếu vốn đầu tư dài hạn, cần tiền để trang trải các nhu cầu trước mắt nên nhiều gia đình thiếu điều kiện nới rộng tuổi rừng, vì thế khi được hỗ trợ nhiều chủ rừng đã tích cực tham gia.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng thôn Tiên Thuận: Nếu như năm đầu tiên chỉ lác đác vài người tham gia với chừng vài chục héc ta rừng, thì đến nay đã có 100 hộ dân/khoảng 200 ha rừng đăng ký chuyển thành rừng trồng có chứng chỉ FSC. Sau khi anh Thu cho khai thác 4,6 ha rừng của gia đình và cho biết sẽ tiếp tục trồng rừng gỗ lớn FSC, nhiều chủ rừng khác cho biết sẽ cho khai thác khoảng 40 ha rừng và đầu tư thâm canh rừng FSC.
Xã Bình Tân có khoảng 2.400 ha rừng trồng, mỗi năm người dân khai thác khoảng 180 ha. Tuy chưa nhiều, nhưng thực tế cho thấy, khi nới rộng tuổi rừng lên mức 10 năm mới khai thác, hiệu quả kinh tế cao vượt trội, sản lượng gỗ đạt từ 200 - 300 tấn/ ha (cao hơn từ 80 - 180 tấn/ ha so với rừng 5 - 7 năm tuổi). Khi thu hoạch, chủ rừng có thể bán phần nhánh, ngọn để làm nguyên liệu giấy; phần thân gỗ có thể chia ra làm 2 loại gồm  gỗ gia dụng và gỗ ván lạng; giá trị kinh tế khi bán gỗ cao hơn rất nhiều lần so với bán để làm dăm gỗ.
Ông Hồ Sỹ Lai - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân: Từ lợi nhuận thực tế khi sản xuất rừng gỗ lớn ở địa phương nhiều năm qua và những lợi ích về môi trường từ việc xây dựng vùng nguyên liệu đạt chứng chỉ rừng FSC, từ năm 2021 đến nay, xã Bình Tân đã phối hợp với công ty TNHH Tín Nhân triển khai cho các hộ trồng rừng trên địa bàn xã đăng ký tham gia liên kết sản xuất gỗ gắn với quản lý rừng bền đủ tiêu chuẩn cấp chứng chỉ rừng FSC và đến nay đã có gần 350 ha rừng/73 hộ được tổ chức FSC quốc tế công nhận. Hiện tại, Công ty TNHH Tín Nhân đang phối hợp với xã triển khai cho các hộ có rừng trong độ tuổi tiến hành khai thác.
Thực hiện đề án phát triển trồng cây gỗ lớn của UBND tỉnh, những năm qua, huyện Tây Sơn đã phối hợp với Viện nghiên cứu Lâm sinh, Công ty Dịch vụ giống cây trồng Nguyên Hạnh và Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai trồng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn với diện tích trên 114 ha với một số giống keo lai, keo tai tượng xuất xứ Pongaki và Cardwell, Keo lai BV33, BV75, TB1, TB11. Các diện tích rừng trồng được triển khai với tỷ lệ sống đạt trên 90% và sinh trưởng tốt, góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng, chống xói mòn, gia tăng giá trị sản phẩm,…
Để phát triển, mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn và nâng cao giá trị kinh tế của rừng, từ năm 2021, UBND huyện đã hỗ trợ để Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài và Công ty TNHH Tín Nhân liên kết và cấp chứng chỉ rừng tại các xã Bình Tường, Tây Thuận, Bình Tân, Bình Thuận. Đến nay, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC là 1.200 ha.
Mặc dù gặp một số khó khăn do việc trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, nới rộng tuổi rừng cần nhiều vốn đầu tư, phải đầu tư chống cháy rừng nhiều hơn,… nhưng rõ ràng trồng rừng gỗ lớn được chứng nhận FSC đang là xu hướng thu hút nhiều chủ rừng. Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện: Thời gian đến, huyện Tây Sơn sẽ tiếp tục triển khai, đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ dân mở rộng diện tích rừng trồng gắn với quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích khoảng 200 ha tại các xã Vĩnh An, Bình Nghi, Bình Thành, nâng tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC năm 2024 lên khoảng 1.500 ha,… đề  xuất UBND tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ để người dân có thêm động lực tham gia trồng rừng gỗ lớn.


Tác giả: Minh Ngọc
Nguồn:tayson.binhdinh.gov.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật