A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tây Sơn: Triển khai sớm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Thực hiện Chỉ thị số 07, ngày 4.3.2013 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 03, ngày 29.3.2013 của UBND huyện Tây Sơn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PC-CCR), huyện Tây Sơn vừa triển khai kế hoạch PC-CCR năm 2014.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tuyên truyền công tác PC-CCR tại xã Bình Tân (huyện Tây Sơn). Ảnh: NGUYỄN HÂN


Huyện Tây Sơn có 39.337 ha đất lâm nghiệp, chiếm 56,7% tổng diện tích tự nhiên; trong đó diện tích đất có rừng là 31.493 ha (gồm 22.123,2 ha rừng tự nhiên và 9.370 ha rừng trồng). Độ che phủ của rừng đạt 44%. Để chủ động trong việc huy động lực lượng, phương tiện và đề ra các biện pháp PC-CCR năm 2014 một cách thích hợp, hiệu quả, Ban chỉ huy PC-CCR huyện Tây Sơn đã rà soát các vùng trọng điểm rừng trồng dễ xảy ra cháy rừng ở 8 xã trong huyện. Cụ thể, xã Bình Nghi có các tiểu khu 301,308, Bình Tân có các tiểu khu 228,241, 251 và 252a, Bình Thành có tiểu khu 261, Bình Thuận có tiểu khu 252b, Bình Tường có tiểu khu 283, Tây Giang có tiểu khu 259, Tây Thuận có các tiểu khu 249, 250a, Tây Xuân có tiểu khu 307 là vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.

 

Nguyên nhân cháy rừng được xác định là do thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài làm cho vật liệu cháy dễ bắt lửa, ngoài ra do chủ quan của con người khi sử dụng lửa để sản xuất và sinh hoạt trong rừng, chủ yếu là các đối tượng đi săn bắn, rà phế liệu, chăn thả gia súc… Trên cơ sở thực trạng và nguyên nhân được xác định, ngay từ đầu năm 2014, huyện Tây Sơn đã chỉ đạo các xã và các chủ rừng tiến hành xây dựng kế hoạch PC-CCR để triển khai thực hiện có hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Trong đó đáng chú ý là chỉ huy tại chỗ và lực lượng tại chỗ. Đồng thời, mục đích yêu cầu đặt ra là hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm “Phòng cháy là chính, chữa cháy phải khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, triệt để”. Trường hợp có đám cháy lớn, lực lượng địa phương không có khả năng dập tắt thì các xã báo ngay cho Ban chỉ huy PC-CCR của huyện để huy động lực lượng trên toàn huyện ứng cứu kịp thời.

 

Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các xã trọng điểm rừng trồng dễ xảy ra cháy khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy PC-CCR, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên nếu có thay đổi về nhân sự. Các địa phương khẩn trương tiến hành xây dựng các công trình PC-CCR như hệ thống đường băng cản lửa, chòi canh lửa, bể chứa nước, ngăn khe suối, hồ, đập dự trữ nước tại chỗ để khi xảy ra cháy có nước phục vụ cho việc chữa cháy rừng; mua sắm, chuẩn bị dụng cụ phương tiện chữa cháy rừng đảm bảo trang bị đủ cho các tổ, đội PC-CCR…

 

Đối với các chủ rừng, cần tăng cường phối hợp với ngành Kiểm lâm và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch triển khai công tác PC-CCR thuộc diện tích rừng của đơn vị mình quản lý. Phân công trực 24/24 giờ trong những ngày cao điểm nắng nóng, khô hanh; tổ chức canh gác lửa rừng, tuần tra tại khu vực rừng của mình, chú ý vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy, nhằm phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời không để thiệt hại do cháy rừng gây ra.

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật