Vân Canh nỗ lực giảm nghèo bền vững
Xác định công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, các cấp, ngành, hội, đoàn thể và các địa phương ở huyện Vân Canh đã phối hợp chặt chẽ, chung tay triển khai nhiều hoạt động mang lại kết quả thiết thực.
Tích cực tiếp sức
Năm 2023, từ nguồn kinh phí 7,9 tỷ đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 14 phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn, thu hút trên 450 người lao động tham gia. Đồng thời, mở được 10 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho hơn 330 người lao động.
Phó Chủ tịch UBND xã Canh Liên Đinh Văn Hải cho biết: “Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp với xã mở được một số lớp đào tạo nghề tại địa phương; tạo điều kiện cho người lao động được học nghề ngay tại xã, không phải đi xa nên người dân rất phấn khởi”.
Ngoài ra, từ các nguồn vốn được cấp và xã hội hóa, huyện Vân Canh cũng đã hỗ trợ xây dựng 222 nhà và sửa chữa 74 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực triển khai hoạt động tín dụng chính sách để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Theo ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, đến ngày 31.3, đơn vị đã triển khai 16 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 408 tỷ đồng cho 5.429 khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác để đưa vốn vay đến với người dân có nhu cầu.
Tại xã Canh Vinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Trương Thị Liên cho hay thông qua kênh của Hội, nguồn vốn vay cho hộ nghèo hiện có dư nợ hơn 2,54 tỷ đồng với 55 hộ vay, nguồn vốn vay cho hộ cận nghèo hiện có 200 hộ vay với dư nợ trên 13,4 tỷ đồng. Hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát triển kinh tế gia đình đạt hiệu quả cao.
Điển hình là trường hợp gia đình chị Phạm Thị Tuyết Nga (ở thôn Bình Long). Năm 2019, thông qua Hội LHPN xã, chị Nga vay 100 triệu đồng để nuôi heo và bò lai. Nhờ chịu khó làm ăn và học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ những người đi trước, kinh tế gia đình chị từng bước ổn định và phát triển. Đến nay, không chỉ thoát nghèo, gia đình chị Nga đã vươn lên trở thành hộ khá ở địa phương.
Nhờ nguồn vốn vay chính sách và nỗ lực của bản thân, gia đình bà Phạm Thị Tuyết Nga đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá ở địa phương. Ảnh: H.P
Gần nhà chị Nga, bà Đào Thị Đẹt dù nay đã 75 tuổi cũng mạnh dạn vay vốn chính sách để phát triển chăn nuôi, tự chủ kinh tế, không dựa dẫm vào con cái. “Đầu năm 2021, khi đang là hộ cận nghèo, tôi vay 100 triệu đồng theo diện mới thoát nghèo để nuôi bò. Qua 3 năm cố gắng làm, tôi đã trả được 60 triệu đồng nợ gốc, thoát khỏi hộ cận nghèo và đang có đàn bò 3 con”, bà Đẹt vui vẻ cho biết.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Vân Canh đã bám sát các nghị quyết, kế hoạch, chỉ đạo của cấp trên tập trung chỉ đạo quyết liệt, giải quyết tồn tại, tháo gỡ vướng mắc cho các ngành, địa phương; chung tay, nỗ lực thực hiện tốt công tác giảm nghèo.
Trong đó, đáng chú ý là MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội cùng chính quyền các địa phương huy động nhiều nguồn lực để quan tâm hỗ trợ các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhất là cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến hết năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều của huyện Vân Canh còn 10,5% (đạt 114,3% so với kế hoạch đề ra). Toàn huyện đã có 583 hộ thoát nghèo, 332 hộ thoát cận nghèo. Tỷ lệ nghèo đa chiều hộ dân tộc thiểu số còn 7,1%, đã có 468 hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo và 148 hộ dân tộc thiểu số thoát cận nghèo.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Xuân Việt, để giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nỗ lực lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Trọng tâm là triển khai đồng bộ các giải pháp về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, phát triển nông, lâm nghiệp bền vững để phấn đấu giảm nhanh các hộ nghèo, cận nghèo; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.