A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh Thạnh: Đổi thay ở vùng cao Vĩnh Sơn

Trong những năm qua, nhờ vào những chương trình, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước dành cho các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào Bana ở Vĩnh Thạnh đã có nhiều thay đổi, sắc diện ở vùng cao đã dần định hình và khởi sắc.

Vĩnh Sơn là xã vùng cao của huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Toàn xã có hơn 700 hộ với gần 3.000 nhân khẩu, trong đó 90% là đồng bào Bana, phương thức sản xuất chủ yếu tự cấp tự túc nên cái đói cái nghèo đeo đẳng mãi. Đó là chuyện mấy năm về trước, còn hôm nay, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người dân vùng cao này đã thay đổi cách nghĩ, cách làm đưa cuộc sống dần đi vào ổn định. Ông Đinh Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn  cho biết: “Điều đáng mừng là đồng bào Bana hôm nay không những chỉ chăm lo cái ăn trước mắt mà họ còn biết tính chuyện làm giàu, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Cả xã hầu như đã bỏ được thói quen du canh du cư, cuộc sống nay đây mai đó, phá rừng làm nương rẫy chuyển sang đầu tư thâm canh trên thửa ruộng, mảnh vườn của mình”.

Để làm được điều này, huyện Vĩnh Thạnh đã chuyển giao kỹ thuật bằng cách cầm tay chỉ việc qua những mô hình mang lại hiệu quả cao như : Mô hình nuôi cá nước ngọt ở làng K2, mô hình lúa lai và trồng hoa ôn đới ở làng K3, trồng cao su ở làng K2 và K4… Nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nhiều hộ nghèo trước đây trở thành nông dân sản xuất giỏi của xã.Bá Đang ở làng K4 , một nông dân giỏi của xã tâm sự với chúng tôi: “Gia đình mình trước đây quanh năm lo ăn từng bữa nói gì đến chuyện làm giàu, có đất đấy mà không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Nhờ các chương trình hỗ trợ của Đảng và sự giúp đỡ cán bộ chỉ cách làm ăn nên mấy năm gần đây đã hết đói; mỗi năm làm ruộng, làm rẫy, chăn nuôi thu được hơn 30 triệu đồng. Nhờ kinh tế gia đình phát triển nên con cái đã được đến trường, mình đã tích lũy xây được nhà, nua được ti vi, xe máy...”

 Trong những năm qua, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, Vĩnh Sơn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đồng bào chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất và chăn nuôi. Giờ đây, bà con xã vùng cao ai nấy đều biết trồng cây lúa nước, làm chuồng nuôi heo-bò, nuôi cá nước ngọt, làm kinh tế vườn... Ông Đinh Húy - Trưởng làng K2 nói: “ Đời sống của đồng bào bây giờ thay đổi nhiều lắm! Ngày trước do không biết cách làm ăn nên cảnh đói giáp hạt xảy ra triền miên, nhờ cán bộ hướng dẫn, bà con không ngại khó ngại khổ nuôi cá, trồng cây, chăn nuôi... Bây giờ không lo đói, lo cái ăn từng ngày nữa mà chỉ lo cho con ăn học, đứa nào cũng được đến trường.”

Đồng bào Bana biết trồng lúa nước.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng,vật nuôi đã mở ra hướng làm ăn mới, nâng cao thu nhập cho nhân dân trong xã.  Đến nay, toàn xã có 172 ha lúa nước, 45 ha bắp (ngô), 78 ha đậu xanh và đậu đen, 200 ha cà phê,  52 ha măng Điền Trúc ... Chăn nuôi cũng không ngừng phát triển, tổng đàn gia súc của xã gần 3.000 con, tỷ lệ lai chiếm hơn 30%;  gia cầm 4.700 con… Bà con nơi đây đã có ý thức hơn trong việc trồng và bảo vệ rừng, đã nhận khoán quản lý bảo vệ rừng gần 8.000 ha.

Vĩnh Sơn hôm nay đang từng ngày chuyển mình thay da đổi thịt, đời sống của đồng bào đang dần dần nâng lên rõ rệt, nhiều hộ trở nên giàu có, đời sống văn hóa có nhiều tiến bộ. Xã đã xóa được hộ đói, hộ nghèo giảm qua từng năm; bình quân thu nhập đầu người hơn 6,2 triệu đồng/năm; hơn 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn và xe máy; 100%  số hộ có điện lưới quốc gia; 82% số hộ dùng nước hợp vệ sinh... Nhờ đó, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được đẩy lùi, hạn chế nạn tảo hôn, công tác Dân số- kế hoạch hóa gia đình được thực hiện đã góp phần xóa đói giảm nghèo, trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.


Tin nổi bật Tin nổi bật