|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định cần đột phá hơn nữa để phát triển bền vững

(binhdinh.gov.vn) - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 và phương hướng phát triển năm 2022, sáng ngày 15/2.

Tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình kt-xh 

Sau khi nghe Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Nguyễn Phi Long trình bày kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 và phương hướng phát triển năm 2022 của tỉnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự ấn tượng với kết quả của tỉnh Bình Định đã đạt được, đặc biệt là trong bối cảnh ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định vượt qua khó khăn để phát triển. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh gia cao và biểu dương thành quả này của tỉnh Bình Định.

Chủ tịch nước đánh giá Bình Định là mảnh đất địa lý thuận lợi, giàu tài nguyên, văn hóa đa tầng và con người hào sảng. Đây là điều kiện tốt để Đảng bộ, nhân dân Bình Định khai thác hiệu quả, phát triển thành một tỉnh giàu mạnh. Chủ tịch nước lưu ý tỉnh Bình Định đã đột phá thì phải đột phá hơn, tập trung thu hút nhiều nguồn lực hơn nữa để phát triển hơn và phát triển một cách bền vững.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Tăng trưởng bình quân hằng năm của Bình Định là 7%, bên cạnh nền tảng “5 trụ cột, 3 đột phá” phát triển kinh tế - xã hội trong Nghị quyết Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gợi ý thêm một đột phá nữa cho tỉnh là đột phá phát triển đô thị. Đô thị ở đây không chỉ là thành phố Quy Nhơn, mà còn có các thị xã, thị trấn, thị tứ của tỉnh phải được đầu tư phát triển toàn diện, để cụ thể hóa nghị quyết mới nhất của Bộ Chính trị về phát triển đô thị trong cả nước.

Với tổng sản phẩm trên địa bàn tăng hơn 4%, cao hơn năm, tổng thu ngân sách, vượt gần 40% so với dự toán, bước đột phá này đã đưa Bình Định trở thành tỉnh tự cân đối được ngân sách, tạo tiền đề cho tỉnh tăng tốc trong những năm tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tiềm năng trong phát triển của Bình Định còn rất lớn để sớm trở thành một cực tăng trưởng mới. Cùng với đó là phát triển công nghiệp cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển dịch vụ cảng biển logistics, nông nghiệp công nghệ cao và chuyển từ số lượng sang chất lượng,… Bình Định sẽ nhanh chóng thành cực phát triển của của miền Trung và của cả nước. Đồng thời, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đưa Quy Nhơn- Bình Định thành điểm đến du lịch của châu Á.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý tỉnh Bình Định trong việc phát triển kinh tế phải đi đôi với việc chăm lo cho dân phải sống trong ấm no, hạnh phúc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà Xuân cho tỉnh Bình Định

Về các kiến nghị của tỉnh Bình Định, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ và giao cho các bộ, ngành nghiên cứu, tạo điều kiện hỗ trợ cho Bình Định. Riêng đề xuất của Bình Định về việc Trung ương hỗ trợ tỉnh triển khai lập Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với võ cổ truyền Bình Đình để đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực triển khai để sớm hoàn thiện hồ sơ. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước ghi nhận, ủng hộ nhiều kiến nghị của tỉnh Bình Định như xây dựng Cảng Hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế, mở rộng cảng Quy Nhơn, nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku,…

Hứa tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định – Hồ Quốc Dũng cam kết, quyết tâm phát triển, xây dựng tỉnh Bình Định thành địa phương phát triển đột phá vững bền.

Năm 2022, tỉnh Bình Định phấn đấu chỉ tiêu tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6,0-6,5% và để đạt được chỉ tiêu chung này, tỉnh đặt mục tiêu tổng quát là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện đồng bộ các giải pháp kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển, phấn đấu tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình so với cả nước. Tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội./.

LKY


Tin nổi bật Tin nổi bật