Chống hạn hán, phòng bão lụt
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện chỉ đạo: ưu tiên nước uống, nước sinh hoạt cho dân.
- Chống hạn hán
Hiện tại, tình hình hạn hán đã tác động đến tất cả các mặt của đời sống và sản xuất của nhân dân Bình Định. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 12.067ha lúa và cây màu đang bị hạn, 47ha bỏ không không sản xuất; diện tích nuôi cá nước ngọt ở các ao, hồ chứa giảm mạnh; thiếu nước chăn nuôi cho 11.754 vật nuôi, thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng tới sinh trưởng, sinh sản và sức đề kháng bệnh của vật nuôi, làm giảm năng suất và hiệu quả chăn nuôi; đã có 50 ha rừng bị cháy và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây. Nghiêm trọng hơn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh; hiện 18.725 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, dự đoán đến tháng 8 sẽ có 28.893/84.000 hộ có khả năng bị thiếu nước sinh hoạt ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước, TP. Quy Nhơn.
Trước thực trạng đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc chỉ đạo các cấp chính quyền nhanh chóng triển khai phương án chống hạn bằng nhiều hình thức. Trong đó, Chủ tịch yêu cầu tuyên truyền, vận động để cộng đồng biết được thông tin đầy đủ về tình hình hạn hán và các biện pháp khắc phục để nhân dân chia sẻ tiết kiệm nước và cùng tham gia chống hạn; ưu tiên cấp nước theo thứ tự cho sinh hoạt, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất lúa giống, cánh đồng mẫu lớn, vùng ven đê Đông để chống xâm nhập mặn, xì phèn; triển khai xuống từng thôn, khu vực tiến hành đào sâu, khoan rộng thêm giếng, đào ao, nạo vét kênh mương; khoanh vùng tưới nước để điều tiết phù hợp ở những vùng còn nước; hạn chế thấp nhất mức thiệt hại về nuôi trồng thủy sản.
- Phòng bão lụt
Năm 2013, thời tiết và thiên tai diễn biến bất thường, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản. Có 14 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, 32 đợt không khí lạnh, lốc xoáy, giông tố, mưa đá xảy ra nhiều nơi trên toàn toàn quốc. Trong tháng 10 và đầu tháng 11/2013, liên tục có 4 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, đổ bộ trực tiếp và ảnh hưởng các tỉnh Miền Trung. Đặc biệt là cơn bão số 15, xuất hiện trên Biển Đông ngày 13/11, đã đổ bộ vào Khánh Hòa – Ninh Thuận ngày 15/11. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Bình Định đã có mưa rất to từ đêm ngày 14/11 đến 18/11, gây lũ lịch sử. Lũ diễn biến rất nhanh, trong vòng từ 6 – 8 giờ đã xảy ra trên diện rộng, phạm vi toàn tỉnh, bao gồm 10 huyện, thị xã và một số phường của thành phố Quy Nhơn. Nhà dân vùng lũ đều ngập sâu, có nơi ngập 6–8m và bị chia cắt. Thời điểm ngập sâu xảy ra trong đêm tối 15 rạng ngày 16/11 nên tình hình thêm khó khăn. Đợt mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề: 19 người chết, 14 người bị thương, hơn 101.900 nhà bị ngập nước với 510.00 người bị ảnh hưởng, 292 nhà sập, 418 nhà bị hư hỏng nặng, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, đê điều bị tàn phá, Quốc lộ 1A, QL 19 bị ngập nước và đứt vỡ nhiều đoạn, hệ thống điện, cấp nước, cơ sở kinh tế, văn hóa -xã hội đều bị thiệt hại nghiêm trọng. Tổng thiệt hại vật chất hơn 2.100 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính của thực trạng này là do thời tiết diễn biến bất thường, hệ thống cảnh báo thiên tai còn thiếu, dự báo khí tượng thủy văn còn hạn chế, các tuyến đường giao thông, các khu đô thị, khu công nghiệp xây dựng chưa đồng bộ, các địa phương chưa xây dựng bản đồ ngập lụt ở vùng hạ du, nguồn lực của các địa phương trong phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ” còn hạn chế, công tác trực ban PCLB và TKCN các cấp trong tỉnh còn nhiều khó khăn.
Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đề nghị các cấp rút kinh nghiệm bài học của năm 2013, rà soát lại cơ sở vật chất, có phương án đề phòng các hồ chứa. Bí thư yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đề phòng lụt bão. Giao trách nhiệm cụ thể đến từng địa phương và chịu trách nhiệm tại nơi mình quản lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc cũng nhấn mạnh, rút kinh nghiệm năm 2013, các công trình trọng điểm đang thi công phải hoàn thành trước mùa mưa bão; kiện toàn Ban PCLB và TKCN các cấp; dự kiến mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra để phòng chống hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại; tại các khu dân cư có khả năng ngập lụt, các khu cụm công nghiệp phải có tuyên truyền sâu rộng, thông báo hướng dẫn PCLB; đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, đặc biệt là các hồ nằm ở thượng nguồn; nâng cao khả năng ứng phó, phục hồi của cộng đồng trước, trong và sau thiên tai;…/.
Lê Kim Yến