|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất xây dựng 3 cảng cá ngừ chuyên dụng tại miền Trung

Tại hội nghị "Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị" sáng 4/7, các địa phương đề xuất Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng 3 cảng cá ngừ chuyên dụng tại khu vực miền Trung nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu loài thủy sản này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chủ trì hội nghị "Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị" tại Khánh Hòa sáng 4/7. 


Hiện nay các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có hơn 3.500 tàu với khoảng 35.000 lao động tham gia khai thác cá ngừ đại dương. Trung bình mỗi năm ngư dân ở các địa phương này đánh bắt 16.000 tấn cá ngừ đại dương. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đạt khoảng 527 triệu USD.

Thực tế nguồn lợi cá ngừ đại dương ở Việt Nam còn dồi dào, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới còn rất lớn. Tuy nhiên nghề đánh bắt cá ngừ đại dương còn lạc hậu, năng suất, chất lượng thấp. Tại các cảng, bến cá ở ba địa phương nói trên, công đoạn vận chuyển cá ngừ từ tàu lên bờ và đến cơ sở thu mua đều thủ công, cầu cảng xa, không có mái che, cá vào bờ phơi nắng thời gian dài dẫn đến chất lượng kém. 

Nhiều cơ sở thu mua không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường... Phương thức mua xô, ép giá dẫn đến không khuyến khích ngư dân trong việc bảo quản sản phẩm, nâng cao chất lượng gây tổn thất sau thu hoạch về chất lượng và giá trị.

Trước tình hình này, các địa phương đề xuất Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng 3 cảng cá ngừ chuyên dụng tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; đồng thời xây dựng trung tâm giao dịch cá ngừ tại Khánh Hòa với tổng kinh phí khoảng 550 tỷ đồng. Trong đó, 3 cảng cá ngừ chuyên dụng khoảng 450 tỷ đồng, số tiền còn lại xây dựng trung tâm giao dịch cá ngừ gồm các trung tâm thẩm định, nghiên cứu, xúc tiến thương mại... Thời gian thực hiện từ 2014 đến 2018. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã thống nhất cho phép ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa lập dự án xây dựng cảng cá chuyên dụng, trong đó lựa chọn chuỗi giá trị cá ngừ là khâu đột phá để phát triển kinh tế biển. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các địa phương ven biển lập dự án khuyến ngư "gói hỗ trợ" thiết bị trên các tàu cá xa bờ tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển làm ăn vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. 

Thời gian tới Bộ sẽ tập trung ưu tiên chuyển giao khoa học công nghệ,  đóng mới, cải hoán tàu thuyền, chú trọng khâu đào tạo kỹ thuật cho ngư dân (Chính phủ hỗ trợ 100% chi phí đào tạo). Ưu tiên thành lập các tổ đội đánh bắt đảm bảo chất lượng cá ngừ đại dương liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Bộ sẽ giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu mở rộng thị trường; xúc tiến tham gia Ủy ban nghề cá Trung và Tây Thái Bình Dương để nâng sản lượng cá ngừ đại dương xuất khẩu.  

Năm 2014, Tổng cục thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu cá ngừ đại dương đến 100 nước, trong đó tập trung vào các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật Bản... đạt 560 triệu USD (tăng hơn năm ngoái khoảng 34 triệu USD). 

 

Theo kinhdoanh.vnexpress.net



Tin nổi bật Tin nổi bật