|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐOÀN ĐBQH KHÓA XIII ĐƠN VỊ TỈNH BÌNH ĐỊNH: Tổ chức tiếp xúc với Mặt trận và các tổ chức thành viên, cử tri ngành GD&ĐT

Sáng 4.7, tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII đơn vị tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc với Mặt trận và các tổ chức thành viên. Tại buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đã báo cáo tóm tắt nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp.

Đại diện các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam tỉnh nhất trí với bản báo cáo và cho rằng, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn đã thẳng thắn, công khai những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và mong muốn của nhân dân, trong đó có những lĩnh vực nóng được bàn thảo, chất vấn tại kỳ họp như: Tình hình Biển Đông, giáo dục, y tế, chính sách phát triển kinh tế…

Đại diện các tổ chức thành viên cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị với Đoàn ĐBQH tỉnh, như: Nhiều luật được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống; chính sách giảm nghèo được triển khai từ lâu nhưng hàng năm tỉ lệ hộ nghèo vẫn tăng, nhất là khu vực miền núi, bởi người dân thiếu đất sản xuất; chính sách đền bù, giải tỏa còn nhiều bất cập; cần có thêm chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn; đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bên cạnh đó phải quản lý chặt hàng hóa nhập khẩu kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; cần chấn chỉnh tình trạng án dân sự có hiệu lực nhưng không thi hành hoặc kéo dài; tội phạm thanh thiếu niên ngày càng gia tăng chủ yếu trên lĩnh vực giao thông, ma túy, cố ý gây thương tích; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ngày càng nhiều nhưng chưa được giải quyết, xử lý triệt để, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thiếu vắc-xin tiêm phòng cho trẻ em, tình hình bệnh sởi và công tác phòng, chống bệnh sởi còn lỏng lẻo…

Chiều 4.7, ĐBQH Vương Đình Huệ tiếp tục tiếp xúc cử tri ngành GD&ĐT. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng cùng đại diện một số sở, ngành cùng dự buổi tiếp xúc.

Ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT, đại diện cử tri ngành giáo dục, nêu một số kiến nghị đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi các chính sách chế độ cho giáo viên, nhất là đối với cán bộ quản lý. Hiện nay chế độ chính sách của nhà giáo đang công tác tại các phòng và Sở GD&ĐT chưa đủ tạo động lực để họ rời công tác giảng dạy về làm quản lý. Vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 54/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo, mở rộng đối tượng được hưởng thâm niên là cán bộ, giáo viên và người lao động đang công tác trong ngành giáo dục. Bên cạnh đó, với tỉ lệ giao kinh phí như hiện nay (80% chi cho con người và 20% chi cho hoạt động dạy và học), không có khoản kinh phí dành cho sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học; trong khi cơ sở vật chất mỗi năm một xuống cấp. Do đó, Sở kiến nghị khi giao dự toán ngân sách nhà nước cho sự nghiệp giáo dục hàng năm cần có quy định đảm bảo tính pháp lý về tỉ lệ % kinh phí sử dụng cho mục đích duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất trường học.

Một số trưởng phòng GD&ĐT, hiệu trưởng trường THPT cũng cho rằng Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng các phòng học bộ môn cho các trường THCS, tiểu học và khu hiệu bộ đối với các trường mầm non, mẫu giáo để đạt chuẩn quốc gia. Trong tình hình Biển Đông “nóng” như hiện nay, chủ quyền biên giới hải đảo đang bị xâm phạm, có nên đưa một phần nội dung này vào chương trình giảng dạy cho học sinh hay không.

ĐBQH Vương Đình Huệ đã lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị của cử tri; giải thích một số vấn đề liên quan chế độ, chính sách của ngành giáo dục và hứa sẽ trình lên Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số tồn tại, bất cập của ngành trong thời gian đến. Ông cũng nói thêm về tình hình Biển Đông hiện nay và đường lối nhất quán của Quốc hội về vấn đề này.

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật