A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gỡ khó cho các doanh nghiệp xây dựng

Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức buổi gặp mặt Hiệp hội các nhà thầu xây dựng (HHNTXD) Bình Định và các doanh nghiệp (DN) xây dựng trên địa bàn tỉnh. Các DN đã đề xuất, kiến nghị ngành chức năng và các cấp chính quyền nhiều vấn đề, nhằm tạo điều kiện cho các DN khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một công trình xây dựng dở dang đã mấy năm nay ở phường Đập Đá (thị xã An Nhơn). Ảnh: NGUYỄN HÂN

 

Nhiều đề xuất, kiến nghị

Theo HHNTXD Bình Định, thời gian qua, phần lớn các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh đều thiếu vốn nghiêm trọng, trong khi lãi suất vốn vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, và có nhiều quy định ràng buộc khiến cho nhiều DN chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Thị trường bất động sản “đóng băng” trong thời gian dài, không những gây khó khăn cho các DN kinh doanh trên lĩnh vực này mà còn ảnh hưởng tới thanh khoản của các tổ chức tín dụng, gây đình trệ sản xuất cho các DN sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, xây lắp, trang trí nội thất… Việc tìm kiếm việc làm mới và thực hiện các công trình dở dang cũng không dễ bởi nợ đọng tại các công trình là rất lớn, chưa giải quyết được. Do vậy, nhiều DN làm ăn thua lỗ, nợ xấu kéo dài và đã có không ít DN bị phá sản.

Ông Bùi Trần Hà, Chủ tịch HHNTXD Bình Định, cho biết: Có nhiều chủ đầu tư khi chưa xác định được nguồn vốn nhưng vẫn thực thi các công trình. Do không chủ động được vốn, nên khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, chủ đầu tư không có tiền trả nợ cho các DN. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, khiến cho DN cụt vốn, sống dở chết dở. Để giúp các DN xây dựng tháo gỡ khó khăn, ngành chức năng và chính quyền các cấp cần thực hiện quyết liệt công tác thanh toán nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, cần phải nghiêm túc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực xây dựng.

Ông Nguyễn Lương Am, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 47, cho rằng, năng lực của nhiều chủ đầu tư, Ban quản lý (BQL) dự án, nhà thầu hiện còn rất hạn chế. Điều đáng nói là có không ít DN năng lực yếu kém, công nghệ lạc hậu, nhưng vẫn trúng thầu; chất lượng công trình chưa đảm bảo, nhưng vẫn được nghiệm thu, quyết toán. Do vậy, nhiều công trình đưa vào sử dụng trong một thời gian ngắn đã bị hư hỏng, phải đầu tư nâng cấp, sửa chữa lại, gây lãng phí tiền của của Nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng dân cư, khiến người dân bức xúc.

Ông Nguyễn Lương Am cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng rà soát lại các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, sớm bố trí nguồn vốn để trả nợ cho các DN. Bên cạnh đó, cần phải minh bạch trong công tác đấu thầu tất cả các dự án; chấn chỉnh, nâng cao năng lực các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình.

Một số DN xây dựng ở TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Phù Cát… cũng đã kiến nghị UBND tỉnh tác động các tổ chức tín dụng có cơ chế tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các DN…

Tháo gỡ khó khăn cho các DN

Tại buổi gặp mặt, một số vấn đề mà các DN đề cập và kiến nghị đã được ngành chức năng của tỉnh giải đáp. Theo ông Đào Quý Tiêu, Giám đốc Sở Xây dựng, trước đây, các vấn đề liên quan đến hợp đồng trong xây dựng được thực hiện theo các quyết định tại Nghị định số 48/2010 của Chính phủ. Ngày 11.12.2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 207 (có hiệu lực từ ngày 1.2.2014), sửa đổi bổ sung một số điều trong Nghị định số 48. Nghị định này quy định chi tiết, xác định giá hợp đồng, các DN cần cập nhật để áp dụng. Đối với tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản có sử dụng nguồn vốn Nhà nước và việc hoàn trả nợ cho các DN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan giải quyết, phấn đấu đến năm 2015 sẽ cơ bản giải quyết xong tình trạng nợ đọng. Cũng theo ông Đào Quý Tiêu, khi đã ký hợp đồng trọn gói thì không thể thay đổi giá, pháp lý không cho phép chủ đầu tư tự điều chỉnh giá, nên bên B không thể khiếu kiện, khiếu nại về vấn đề này.

Ông Nguyễn Thành Hải, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Sở KH-ĐT sẽ tổng hợp ý kiến của tất cả các DN và sớm đề xuất UBND tỉnh các giải pháp giúp DN xây dựng tháo gỡ khó khăn. Mong các DN chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm với các Sở, ngành của tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT phổ biến Luật đấu thầu mới trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể cho các DN áp dụng, đồng thời rà soát lại nợ tồn đọng trong xây dựng cơ bản để trả nợ cho các DN. Chính quyền các địa phương cần phải bố trí nguồn vốn để trả nợ cho các DN, nếu không trả hết nợ thì không bố trí xây dựng công trình mới. Sở Xây dựng chủ trì tiến hành kiểm tra, củng cố kiện toàn các Ban quản lý các dự án, phát hiện và kiên quyết xử lý các Ban quản lý, đơn vị tư vấn giám sát buông lỏng trong công việc hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao; các nhà thầu gian dối trong quá trình thực thi công trình cũng phải bị xử lý thích đáng. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc bảo lãnh thực hiện hợp đồng tối đa là 50% giá trị hợp đồng. Sở Tài chính chủ trì thành lập Quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ để hỗ trợ vốn cho các DN hoạt động…

 

Theo baobinhdinh.com.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật