HĐND tỉnh giám sát các chương trình kinh tế- xã hội
Theo báo cáo của Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 KKT, 3 KCN và 40 CCN đang hoạt động. Thời gian qua, các cấp chính quyền đã quan tâm hơn đến công tác BVMT; truyền thông nâng cao ý thức doanh nghiệp về BVMT đã có những chuyển biến tích cực. Đồng thời, công tác thẩm định, tham mưu phê duyệt, cấp phép trong lĩnh vực quản lý BVMT được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình; công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường (ÔNMT) và giải quyết khiếu nại được quan tâm. Bên cạnh đó, việc giải quyết các thủ tục về BVMT, thẩm định, phê duyệt các hồ sơ môi trường được thực hiện theo quy trình ISO 9001:2001 và được niêm yết công khai tại bộ phận “một cửa”. Hàng năm, Sở TN-MT, BQL KKT tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các CCN.
Tuy nhiên, hiệu quả và hiệu lực quản lý, kiểm soát ÔNMT chưa cao; công tác quản lý môi trường chưa bao quát hết các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; công tác quản lý BVMT của địa phương còn theo sự vụ, chưa có quy hoạch tổng thể. Đáng lưu ý, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 9 KCN, CCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Sở TN-MT đã kiến nghị với Đoàn giám sát một số vấn đề, như: Buộc các KCN đầu tư trạm quan trắc tự động nước thải đầu ra; đầu tư hệ thống theo dõi, truyền số liệu quan trắc về cơ quan quản lý để giám sát theo quy định; chủ đầu tư các CCN phải xây dựng Quy chế BVMT của CCN nhằm quy định rõ trách nhiệm BVMT của chủ đầu tư và của các DN… Đối với HĐND tỉnh, Sở TN-MT kiến nghị: Vấn đề kinh phí chi sự nghiệp môi trường hàng năm của tỉnh đạt 1% trở lên so tổng chi ngân sách của tỉnh phải được cụ thể hóa trách nhiệm của các địa phương; việc phân bổ, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường tại các địa phương phải được giám sát chặt chẽ, nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã ghi nhận những nỗ lực của Sở TN-MT trong công tác quản lý nhà nước về BVMT, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác BVMT, nhất là vấn đề xử lý nước thải tập trung tại các KCN, CCN.
* Cũng trong ngày 22.9, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã làm việc với UBND huyện Hoài Nhơn về Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng giảm nghèo đến 2020.
Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Nhơn, đến năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 7,2% (giảm 9,5%); tỉ lệ lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề đạt 55%; tạo việc làm mới cho 4.500 lao động; thu nhập người nghèo gấp 2 lần so với năm 2010. Trong 5 năm, chương trình mục tiêu giảm nghèo của huyện đã huy động được 477,2 tỉ đồng.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực của địa phương trong thực hiện chương trình giảm nghèo và đề nghị địa phương làm rõ một số vấn đề như: chính sách nào của Trung ương, tỉnh phát huy tốt tại địa bàn, cần tiếp tục trong thời gian tới và ngược lại; giải ngân các nguồn vốn có đầy đủ, kịp thời; tình trạng tái nghèo tại địa phương. Đoàn cũng đề nghị lãnh đạo địa phương cần quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo, phát triển sản xuất của người dân; có nhiều giải pháp phát huy các nguồn lực tại chỗ, thế mạnh của địa phương trong giảm nghèo; thường xuyên tổ chức họp sơ kết để kịp thời tháo gỡ các khó khăn. Về những kiến nghị, đề xuất của huyện, Đoàn giám sát ghi nhận, báo cáo HĐND, UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Theo Viết Hiền - Nguyễn Muội (Báo Bình Định)