|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 24/11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016 – 2020. Tại điểm cầu Bình Định, Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan cùng tham dự hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Văn Phi chủ trì điểm cầu Bình Định.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, với chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển phục vụ người dân và doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh cho khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, điều hành. Để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng có giá trị dẫn đường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương tập trung cho công tác xây dựng pháp luật gắn với thi hành pháp luật và đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực như: rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm loại bỏ những mâu thuẫn, chồng chéo của pháp luật; tổ chức nhiều cuộc đối thoại chính sách với người dân, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; nghiên cứu, nhận diện những vấn đề pháp lý phát sinh cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Với những giải pháp thiết thực trên, hệ thống pháp luật của nước ta đã không ngừng được hoàn thiện, ngày càng đầy đủ và đồng bộ. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế mà còn đảm bảo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người. Hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp ngày càng được mở rộng, từng bước đi vào chiều sâu, phục vụ thiết thực hơn cho công cuộc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều điểm nghẽn về thể chế được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; góp phần xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng nhìn nhận công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh với nhiều hình thức văn bản; tính minh bạch của hệ thống pháp luật còn hạn chế; một số quy định được hiểu, được áp dụng chưa thống nhất. Chất lượng một số đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh… chưa cao. Chưa đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của một số văn bản quy phạm pháp luật. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn phân tán, dàn trải. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành trong một số lĩnh vực chưa cao; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ Nhân dân còn kém…

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề: thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật; phối hợp trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng, hoàn thiện pháp luật tài chính và đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác xây dựng, thi hành pháp luật; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định xây dựng pháp luật là bệ đỡ cho đất nước phát triển bền vững. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan liên quan, chú trọng nâng cao hiệu lực hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật… Thực hiện đúng kỷ cương trong xây dựng pháp luật.  

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật về tổ chức thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện các giải pháp có tính đột phá trong việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội.

Các bộ, ngành cần kiên quyết chấm dứt tình trạng nợ đọng; kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh để sớm đưa các quy định của pháp luật vào cuộc sống.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.

Đặc biệt, phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. “Người ta nói chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng mà chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng.” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật