A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững

(binhdinh.gov.vn) - Sáng 23/9, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội và lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tham dự Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh trao Bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho tập thể có thành tích xuất sắc

Theo báo cáo tại Hội nghị, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 có mục tiêu tổng quát: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Trong giai đoạn 2016 đến 31/8/2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng; góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động (trên 17.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108.000 căn nhà ở cho hộ nghèo.

Tại Bình Định,  nguồn vốn chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh; trong đó tập trung ưu đãi cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biết khó khăn, vùng sâu, vùng xa, 90% dư nợ tín dụng chính sách được tập trung cho nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục và đào tạo. Đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn đạt 3.667 tỷ đồng, tăng 1.445,4 tỷ đồng so với năm 2015.

Trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tín dụng chính sách sẽ tập trung thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các ngân hàng thương mại sang NHCSXH; phát triển NHCSXH thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài, đồng thời duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tín dụng chính sách xã hội là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn cao, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội cần tổ chức linh hoạt các hoạt động tín dụng chính sách xã hội; nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; nâng cao chất lượng tín dụng, đúng người, đúng đối tượng;…

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các đơn vị có thẩm quyền tiếp thu ý kiến của địa phương, các tổ tiết kiệm vay vốn về nâng mức vay đối với một số chính sách như nâng mức cho vay sinh viên; kéo dài thời gian cho vay đối với hộ thoát nghèo; tăng mức cho vay đối với các hộ sản xuất;…

Tại hội nghị, Bộ Lao động,Thương binh và xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tặng Bằng khen cho 01 tập thể và 05 cá nhân của Bình Định đã có thành tích thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo./.

LKY


Tin nổi bật Tin nổi bật