A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 3, năm 2019

(binhdinh.gov.vn) - Sáng nay (12/9), tại TP Quy Nhơn, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 3, năm 2019 đã diễn ra với sự tham gia của 243 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 41.000 đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong tỉnh.

Quang cảnh Đại hội

Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh dâng hoa chúc mừng Đại hội

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 3, năm 2019 có nhiệm vụ đánh giá sự phát triển tình hình kinh tế - xã hội trong 5 năm (2014 – 2019), trọng tâm là giảm nghèo bền vững; kết quả xây dựng nông thôn mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí; kết quả thực hiện các chính sách trên địa bàn; kết quả lãnh đại, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quyết tâm thư Đại hội lần thứ 3, năm 2019.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu khai mạc Đai hội

Qua 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ 2 năm 2014, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đổi mới và đạt nhiều kết quả quan trọng; đa số các mục tiêu đến nay đều đạt và vượt kế hoạch. Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện đạt kết quả tích cực. Các chương trình, dự án, kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư thực hiện đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thiết thực cho phát triển KT-XH và đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số. Nổi bật, trong giai đoạn 2014 - 2019 có 29 danh mục chính sách, dự án, chương trình được đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng số vốn trên 2.017 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, Trung ương và địa phương đã đầu tư xây dựng trên 700 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân với tổng số vốn trên 2.000 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất cho đồng bào và vùng miền núi tới nay lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đồng bào dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo đạt trên 80%, trong đó có 20% được đào tạo nghề; 98% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,5%/năm (chỉ tiêu từ 4 đến 5%). Trên 95% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế và 100% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc. Đảm bảo 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và 88% đường trục thôn, xóm được cứng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Diện mạo vùng dân tộc thiểu số đã có những thay đổi căn bản, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, tại vùng miền núi, đồng bào DTTS tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa vững chắc. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn còn nhỏ bé, phát triển chậm; kết cấu hạ tầng tuy đã được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều yếu kém; tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân chung của tỉnh. Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ cấp xã còn thiếu và yếu. Tâm lý tự ti, mặc cảm, tư tưởng ỷ lại trông chờ ở một số nơi chậm được khắc phục.

Tại đại hội, các ý kiến tham luận đã tập trung vào một số nội dung như: Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách của Nhà nước đến người nghèo và người DTTS; tăng nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay cho hộ nghèo và hộ DTTS có phương án phát triển sản xuất; có cơ chế chính sách động viên con em đồng bào DTTS trong học tập; chăm lo sức khỏe, ban đầu cho nhân dân. 

Ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc chúc mừng Đại hội

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 3, năm 2019, ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc chúc mừng những kết quả tích cực trong đầu tư, chăm lo, phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Bình Định. Ông Nông Quốc Tuấn cũng đề nghị, các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục thực hiện kịp thời các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở miền núi, đặc biệt là trong công tác giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Cộng đồng, gia đình, mỗi người DTTS phải cố gắng vươn lên, gạt bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Trở lại miền núi hôm nay, chúng ta không chỉ vui mừng trước những thay đổi của bản làng, mà còn được chứng kiến những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Từ những phong trào ấy, đã xuất hiện không ít những hộ đồng bào dân tộc sản xuất giỏi, không ít những già làng, trưởng bản đã trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng  chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Song phải thẳng thắn thừa nhận, vùng miền núi của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách.  Đồng chí cũng tán thành với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Báo cáo Chính trị và Quyết tâm thư tại Đại hội đề ra nhằm phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng miền núi với tốc độ cao hơn nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội với miền xuôi.

Đại hội cũng thống nhất với các mục tiêu đến năm 2024 như: thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng gấp 2,5 lần so với hiện nay; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm giảm 4-5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với hiện nay; Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 70%, lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định trên 90%;  100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập; 90% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế;…

Đại hội tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua

Đại hội cũng đã thống nhất bầu chọn 5 đại biểu dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, năm 2020, tại Hà Nội./.

Lê Kim Yến


Tin nổi bật Tin nổi bật